Sinh viên lo ra trường muộn vì dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dịch COVID-19 kéo dài khiến sinh viên khóa cuối của nhiều trường đại học lẽ ra tốt nghiệp từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể ra trường do chưa xong thực hành và đồ án tốt nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bị chậm thời gian tốt nghiệp, Trần Thị Mai Linh (sinh viên (SV) năm cuối trường Cao đẳng nghề Phú Thọ) khá lo lắng: "Em bắt đầu kế hoạch thực tập từ cuối tháng 5, tuy nhiên dịch COVID-19 kéo dài, phức tạp nên việc thực tập của em đã bị gián đoạn. Thời gian thực tập của em kéo dài đến tháng 12/2021. Sau đó, trường sẽ xem xét làm lễ tốt nghiệp. Em mong dịch bệnh sớm qua đi, để em hoàn thiện thủ tục ra trường và mau chóng kiếm được công việc ổn định, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và phụ lo cho gia đình".

Trần Anh Đức, SV năm cuối ngành Cơ điện tử, Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội cũng "đứng ngồi không yên" vì chưa thể ra trường. “Đáng nhẽ ra vào tháng 6 năm nay em đã tốt nghiệp thế nhưng vì giãn cách xã hội nên dời lịch tốt nghiệp. Nhiều đơn vị đang tuyển dụng bộ phận mà em mong muốn. Việc chậm tốt nghiệp khiến em và gia đình rất lo lắng bởi làm gián đoạn những dự định tìm việc của em", anh Đức bày tỏ.

PGS. Tiến sĩ Dương Đức Hồng – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội cho biết, đặc điểm của trường nghề là có tới 60% thời lượng thực hành nên các em bắt buộc phải đến trực tiếp, được "cầm tay chỉ việc" mới có thể đạt được thao tác chuẩn và kỹ năng nghề thuần thục.

"Lẽ ra các em đã được tốt nghiệp từ mấy tháng trước, nhưng do lý thuyết đã học xong mà thực hành còn thiếu nên phải dời đến 1 - 2 lần. Việc học thực hành của SV chưa thể thực hiện cũng là trăn trở của nhà trường. Ngay sau khi tình hình dịch dần ổn định, nhà trường cũng đã nhanh chóng sắp xếp, tổ chức các lớp học thực hành cho các em nhằm đảm bảo học sinh được ra trường tìm kiếm việc làm”, PGS. Tiến sĩ Dương Đức Hồng nói.

Sinh viên lo ra trường muộn vì dịch COVID-19 ảnh 1

Sinh viên trường cao đẳng, trung cấp cần tới 70% thời lượng thực hành nên phải học trực tiếp mới đảm bảo tay nghề.

Theo ông Hồng, khi sinh viên đến trường học thực hành phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Hàng ngày, sinh viên cần khai báo y tế trên ứng dụng PC- COVID và trước khi vào các phòng thực hành hoặc các nơi giao dịch khác trong trường phải quét QR Code tại vị trí quy định.

Sinh viên khi đến trường học thực hành phải đảm bảo tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Sinh viên nào chưa tiêm hoặc đang ở vùng cách ly, phong toả, đang là F2 phải báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm lớp.

ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai) cũng cho biết, do dịch bệnh, sinh viên hiện gặp trở ngại khi trở lại trường để hoàn tất các học phần.

Ông Cường chia sẻ: “Đáng lẽ sinh viên các năm cuối đã tốt nghiệp ngay trong tháng 10, nhưng hiện tại có thể phải kéo dài đến tháng 12. Hầu hết sinh viên đã ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp từ năm 2, nhận lương, phụ cấp của họ và được thực hành tại doanh nghiệp trong suốt thời gian học. Sinh viên tốt nghiệp là nguồn lao động dự trữ của doanh nghiệp khi họ muốn đẩy cao tiến độ nhưng thiếu hụt người".

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, hiện nhiều trường đã và đang ưu tiên cho sinh viên năm cuối, sinh viên còn thiếu học phần thực hành, thí nghiệm hoặc giờ làm khóa luận được đăng ký trở lại trường học trực tiếp để hoàn thành khóa học.

Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và rất nhiều trường CĐ, ĐH khác đã bắt đầu cho sinh viên đến trường học thực hành, chia theo từng nhóm nhỏ 10 - 15 sinh viên để kịp tiến độ tốt nghiệp, với điều kiện sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và nghiêm túc thực hiện 5K.

Đọc thêm