Sinh viên "trường tỉnh" cùng đường vì lô đề, cha mẹ vạ lây

Để có tiền trả nợ lô đề lấy thẻ sinh viên ra thi tốt nghiệp, Tâm (quê huyện Nga Sơn,Thanh Hóa) gọi điện khắp nơi cho bạn bè nhưng đều bị từ chối. Đường cùng, Tâm bắt xe về quê thú thật với bố mẹ. Bố mẹ Tâm đành bấm bụng bán lợn gà, trâu bò, tài sản gia đình lớn nhất để lo cho con ra trường đúng hạn. Gia đình Tâm từ hộ khá trong làng bỗng trở nên nghèo khó...

Ma lực của lô đề đã khiến một bộ phận giới trẻ đi vào ngõ cụt, thậm chí không ít sinh viên rơi vào vòng lao lý.

Một điểm ghi lô đề trước cổng Trường Cao đẳng Y Ninh Bình
Một điểm ghi lô đề trước cổng Trường Cao đẳng Y Ninh Bình

Sinh viên thành "thiêu thân" của lô đề…

Đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Nam Thành, TP Ninh Bình) được "dân lô đề" đặt tên “con đường lô đề” bởi mức độ, tần suất của những điểm lô đề dày đặc, san sát bên nhau, đặc biệt là trước cổng Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình.

17h, các điểm ghi lô đề ở đây bắt đầu kín chỗ, tiếng tranh luận, phân tích lô đề, cãi cọ cứ mỗi lúc rộ lên sôi nổi khi vào giờ tan học. Hiệp được giới sinh viên nghiền lô đề ở Ninh Bình phong cho là “Đỗ đại ca” vì dám chơi và phân tích, luận đề thuộc hạng “đẳng cấp”.

Hiệp thừa nhận: “Trước đây ở quê, thỉnh thoảng cũng có chơi nhưng từ khi đi học ra ngoài này em cứ như bị ma ám, có tiền trong túi là chơi cho bằng hết. Lúc đầu chơi vài điểm đến hàng chục rồi trăm điểm, lần chơi cao nhất 500 điểm lô (tương đương 11,5 triệu đồng-NV)”.

Hiệp kể, có lần trúng lớn mua được xe Nouvo LX và trả hết nợ. Quyết định từ bỏ con đường lô đề trở lại trường học sau những canh dài triền miên trong nợ nần toan tính, nhưng rồi Hiệp lại lao vào ăn thua và chiếc xe có được cũng “bay”. Sau đó, nhiều đợt mẹ Hiệp đã phải mang tiền đi cứu con thoát khỏi “ma đề” với số tiền khoảng 140 triệu đồng.

Không cưỡng lại được với giải thưởng “1 ăn 70” (trúng đề được trả gấp 70 lần), nhiều sinh viên đã dành hết thời gian học tập vào nghiên cứu, phân tích, luận đề. Sau mỗi lần chơi, số nợ cứ thế ngày một gia tăng và trượt dài trên những số đề. Không ít bạn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi không tìm được lối thoát đã dẫn đến những vụ phạm pháp, cướp giật, giết người.

Tôi cùng Hiệp đang ngồi uống nước chè ở cổng Trường CĐ Y tế Ninh Bình nghe cậu kể về con đường lô đề thì một nam sinh viên người gầy đét, mắt đỏ hoe chạy đến chào “đại ca”, hỏi mượn tiền và hứa trúng lô 89 tối về trả ngay.

Đợi sinh viên này đi, Hiệp nói đó là T- con của một "đại gia" ở TP Thanh Hóa, năm ngoái bị đuổi học vì bỏ quá nhiều, định tẩu thoát về quê nhưng bị chủ nợ bắt lại, bố mẹ phải mang 29 triệu ra để chuộc về. Năm nay T ra để đi học lại. Nhưng ngựa quen đường cũ, cu cậu lại dính tiếp và đang "ôm một cục nợ" to tướng.

Cha mẹ khốn đốn

Trong một phiên tòa xét xử mới đây tại TAND tỉnh Ninh Bình, về “Vụ lừa bán 7 trẻ em vào nhà chứa” với giá chỉ từ 550 ngàn đến 3 triệu đồng, các đối tượng phạm tội bị phạt từ 3 – 13 năm tù giam.

Những đối tượng phạm tội hầu như là sinh viên đang theo học một số trường trên địa bàn, thường xuyên vào mạng tìm phụ nữ trẻ chơi điện tử nợ tiền nét để làm quen, nhận đến “cứu nét” đưa đi chơi và lừa bán cho nhà nghỉ…

Mẹ của một bị cáo quê ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nước mắt ràn rụa: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng có ngày nó lại phạm pháp, tù tội. Bố mẹ ở nhà lăn lưng đi làm chu cấp đầy đủ, vậy mà nó nỡ phụ công”.  

Đôi bàn tay chai sần, mặt sạm đen vì nắng gió sau những chuỗi lăn lội với đồng ruộng, chị cho biết thu nhập của gia đình chủ yếu phục thuộc vào vài sào ruộng và đồng lương hưu ít ỏi không đủ cho 3 người con ăn học nên cuộc sống luôn gặp nhiều khó khăn. Bị cáo – con trai chị là sinh viên một trường nghề ở Ninh Bình chỉ vì ham lô đề, "nghiện nét"... bất chấp mọi thủ đoạn để kiếm tiếm đã bị lãnh án 10 năm tù giam về tội mua bán trẻ em.

Một trường hợp khác, để có 40 triệu đồng trả nợ lô đề lấy thẻ sinh viên ra thi tốt nghiệp, Tâm (quê huyện Nga Sơn,Thanh Hóa) gọi điện khắp nơi cho bạn bè nhưng đều bị từ chối. Đường cùng, Tâm bắt xe về quê thú thật với bố mẹ. Bố mẹ Tâm đành bấm bụng bán lợn gà, trâu bò, tài sản gia đình lớn nhất để lo cho con ra trường đúng hạn. Gia đình Tâm từ hộ khá trong làng bỗng trở nên nghèo khó...

Phạm Văn Hải, một sinh viên có gia đình rất khá giả, mỗi lần ghi lô thường từ vài trăm đến hàng ngàn điểm mà không cần phải đến tận điểm ghi lô. Lần trúng lớn nhất 320 triệu đồng, “thừa thắng xông lên” Hải tiếp tục chơi, nhưng sau đó lâm vào cảnh nợ nần, lần nợ cao nhất nợ 190 triệu, thấp nhất cũng 90 – 100 triệu dù đã nhiều lần bố mẹ đã chấp nhận đi xe từ Kon Tum ra cứu con.

Mê lô đề, Khải Tuấn (H. Hà Trung, Thanh Hóa) đã sa lầy trong nợ nần, không lối thoát. Chủ nợ đã cho người đến tận trường để tìm “xử” nợ. Vừa bước ra khỏi cổng trường sau khi thi môn cơ sở tốt nghiệp đầu tiên, Tuấn đã bị các đối tượng được chủ nợ thuê lôi vào một căn phòng kín đánh tối sâm mặt mày vì số nợ 33 triệu đồng.

Cường Trung

Đọc thêm