Sợ chết trong cô độc, cụ ông tìm người nhận nuôi

(PLO) - Đã sống qua những biến cố lớn của đất nước nhưng ông Han Zicheng biết rõ rằng ông sẽ không thể chống lại được quy luật của số phận. Không muốn chết trong cô độc, cụ ông tự đăng tin tìm gia đình nhận nuôi mình với hy vọng sẽ gặp được người tốt, được hưởng không khí gia đình trong những ngày tháng cuối đời và được chôn cất tử tế khi ông “nhắm mắt xuôi tay”.
Ông Han Zicheng nói rằng các con của ông cũng có con phải chăm sóc nên không muốn phiền.
Ông Han Zicheng nói rằng các con của ông cũng có con phải chăm sóc nên không muốn phiền.

Tờ rao vặt đầy suy tư

Sinh năm 1933, ông Han Zicheng đã trải qua những năm tháng bom đạn của chiến tranh và sự vất vả, thiếu thốn đủ bề. Không có điều kiện theo đuổi việc học hành, đến tuổi lao động, ông vào làm công nhân tại một nhà máy. Trong quãng thời gian đó, ông kết hôn, vừa chật vật tìm kế sinh nhai cho cả gia đình, vừa tranh thủ học thêm để lấy bằng trung học, về sau là bằng đại học. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng ông luôn tự nhủ cố gắng để sau này về già có thể có được cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Trong trí tưởng tượng của ông lúc bấy giờ và mãi sau này, ông vẫn luôn mong rằng khi về già có thể sống sum vầy giữa một đại gia đình, được các con cháu chăm sóc. Song, mong muốn của ông Han – cũng là mong muốn của hàng triệu người Trung Quốc cùng thời khác – đã không thành sự thật. Không giống như thời của ông, thế hệ con của của ông khi trưởng thành không còn giữ mô hình gia đình kiểu cũ. Con cái đều lập nghiệp ở xa, ông Han lâm vào cảnh phải sống một mình ở quê hương, gặm nhấm nỗi cô đơn, buồn tủi của tuổi già. 

Một ngày mùa đông lạnh giá tháng 12/2017, khi nỗi tủi thân dường như đã lên đến đỉnh điểm, cụ ông 85 tuổi bèn kiếm vài mảnh giấy trắng, nghệch ngoạc viết lên đó dòng chữ: “Tìm người nhận nuôi”. Mô tả về bản thân, ông viết: “Ông lão cô độc ngoài 80 tuổi. Vẫn khỏe mạnh. Vẫn có thể đi mua bán, nấu nướng và tự chăm sóc bản thân. Không mắc bệnh mãn tính. Từng công tác tại một viện nghiên cứu khoa học ở Thiên Tân, hiện đang hưởng mức lương hưu 6.000 nhân dân tệ (950 USD)/tháng”, ông viết. “Tôi không muốn vào viện dưỡng lão mà muốn tìm một người có tấm lòng nhân hậu hoặc một gia đình nào đó nhận nuôi tôi và chôn cất tôi khi tôi qua đời”, ông giải thích thêm. Sau đó, ông mang một bản “rao vặt” ra dán ở bến xe bus ở khu nhà của ông và chờ đợi. 

Ý tưởng viết tin rao vặt như vậy nảy lên trong đầu ông Han sau một thời gian dài tích cực tìm kiếm một người để bầu bạn. Vợ ông đã qua đời từ lâu còn các con trai ông người thì cha con mâu thuẫn nên không nói chuyện với nhau, người thì đã ra nước ngoài sinh sống và đã rất lâu không liên lạc.

Những người hàng xóm thì cũng có con nhỏ phải nuôi và cha mẹ để chăm sóc nên chẳng ai có thể quan tâm được đến ông. Tại thời điểm đăng rao vặt tìm người nhận nuôi, Han vẫn có thể đạp xe đi chợ để mua các nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống nhưng ông biết rằng ông không thể khỏe được mãi như vậy. 

Tình cảnh của ông Han cũng là tình cảnh chung của hàng chục triệu người già Trung Quốc khác. Điều kiện sống được nâng cao và chính sách một con của Trung Quốc đã làm đảo ngược kim tự tháp dân số của nước này. 

Theo thống kê, Trung Quốc đang có 15% dân số trên 60 tuổi nhưng năm 2040, tỷ lệ này sẽ là 25%. Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa tới nền kinh tế cũng như kết cấu gia đình Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải tìm cách để thích nghi với việc số lượng người lao động ít đi. Thế hệ những người thuộc diện con một trong khi đó vừa phải chật vật lo cho cuộc sống gia đình của mình, vừa phải lo phụng dưỡng, chăm sóc gia đình nội ngoại. 

Năm 2013, Chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành luật yêu cầu con cái phải thăm bố mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng triệu người già ở nước này vẫn đang phải sống trong những “tổ ấm rỗng tuếch” – tức những người già không sống cùng vợ hoặc chồng hay con cái. Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa được đảm bảo, khiến cuộc sống của họ trở nên chơi vơi và mong manh hơn bao giờ hết ở tuổi “gần đất xa trời”.

Nỗ lực bất thành

Khi ông Han dán thông báo tìm người nhận nuôi ở bến xe bus, một người phụ nữ đã vô tình nhìn thấy. Bà đã chụp lại cảnh tượng đó và cả mẩu thông báo rồi đăng lên mạng xã hội, kèm theo lời khẩn cầu: “Hy vọng có tấm lòng nhân ái nào đó có thể giúp đỡ”. 

Câu chuyện sau đó được chia sẻ khá mạnh. Một đài truyền hình ở địa phương thậm chí đã tìm đến nhà ông Han để làm phóng sự về câu chuyện của ông, khiến sức lan tỏa của câu chuyện trở nên rộng rãi hơn. Suốt 3 tháng sau đó, điện thoại của ông liên tục đổ chuông, khiến ông rất vui. Nhiều năm trước đó, ông đã luôn muốn có người lắng nghe, thậm chí còn giữ những người hàng xóm lại để kể cho họ nghe rằng ông đang cô đơn, rằng ông sợ chết, rằng ông không muốn chết mà không ai hay biết. 

Thế nhưng, những câu chuyện của ông như cơn gió thoảng qua tai, không mấy ai chú ý. Đến khi câu chuyện của ông được đăng tải trên mạng xã hội và được phát sóng trên truyền hình mới có nhiều người bắt đầu quan tâm tới ông hơn. Một nhà hàng ở gần khu nhà của ông đã tình nguyện mang thức ăn cho ông.

Một nhà báo từ tỉnh Hà Bắc hứa sẽ đến thăm, chuyện trò với ông thường xuyên. Ông còn kết bạn qua điện thoại với một sinh viên luật 20 tuổi sống ở một tỉnh phía nam Trung Quốc. Song, dần về sau, bản thân ông Han lại nảy sinh chán nản bởi ông nhận thấy rằng sẽ rất khó để ông có thể kiếm được một gia đình mà ông luôn mong muốn. 

Ông Jiang Quanbao – một giáo sư về nhân khẩu học tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An – cho rằng thách thức của Trung Quốc nằm ở việc nước này vừa là một xã hội già hóa vừa là một nước đang phát triển. 

Giáo sư về dân số và phát triển tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải Peng Xizhe cũng cho hay, số lượng và chất lượng của các nhà dưỡng lão Trung Quốc hiện nay đang mức “không hợp lý một cách trầm trọng”. Ngay cả những người có khả năng chi trả cho một phòng khang trang ở trại dưỡng lão như ông Han cũng vẫn mang tâm lý e ngại vào đây.

Một phần nguyên nhân là do những người già không muốn đồng nghiệp, bạn bè xung quanh nghĩ rằng mình bị con cái bỏ rơi. Con cái họ trong khi đó lại sợ bị coi là bất hiếu nếu để cha mẹ vào viện dưỡng lão. Với riêng ông Han, ông cho biết đã thử đồ ăn ở đó và thấy “không mê được”. 

Cái chết nhẹ nhàng

Mùa đông tới cũng là lúc các cuộc gọi cho ông Han ít dần. Nỗi lo sợ phải chết trên giường cô độc lại sống dậy trong ông. Chính vì vậy, ông đã cố gắng kết nối với thế giới bên ngoài. 

Tháng 2/2018, ông bắt đầu gọi tới một đường dây hỗ trợ người già mang tên Đường dây nóng Lan tỏa Yêu thương Bắc Kinh. Bà Xu Kun - người sáng lập mạng lưới này – cho biết bà muốn cung cấp dịch vụ nhằm ngăn những người già neo đơn tự tìm đến cái chết. Kể từ sau lần đầu liên lạc, mỗi tuần vài lần, ông lại gọi tới đường dây nóng, kể cho các nhân viên ở đây về nỗi cô đơn của mình. Thế nhưng, những cuộc gọi đó đã dừng lại từ tháng 3.

Ít tuần trước khi chết, ông Han cũng giữ liên lạc với người bạn qua điện thoại là sinh viên trường luật. Lần cuối ông gọi cho cô gái này là vào ngày 13/3. Ngày 14/3, cô bỏ lỡ một cuộc gọi từ ông. Đến đầu tháng 4, khi gọi lại cho ông Han, cô gái đã gặp một giọng nói lạ ở đầu dây bên kia. Người này tự xưng là con trai ông Han, thông báo rằng ông đã qua đời vào ngày 17/3.

Trên thực tế, ngay tại nơi ông Han sống, cái chết của ông cũng không được để ý. 2 tuần sau khi ông qua đời, ủy ban chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan cư dân trong khu vực cho biết rất bất ngờ trước thông tin này. 5 hàng xóm của ông cũng thú nhận rằng họ không thấy ông đi lại ở hành lang nhưng không tới kiểm tra tình hình. 

Có điều, nỗi lo sợ lớn nhất là phải chết một mình của ông Han đã không xảy ra. Bởi, vào ngày 17/3, khi thấy người không khỏe, ông đã gọi điện đến bệnh viện. Ông qua đời trên giường bệnh, giữa rất nhiều người xung quanh. Sau khi nhận được tin, Han Chang - con trai ông - bay từ Canada về để lo hậu sự cho cha. Anh này rất giận dữ vì việc cha đã đăng thông báo tìm người nhận nuôi và báo chí đưa tin về nó.

Đọc thêm