Sợ lộ danh tính vì đã từng hiến “con giống”

(PLO) - Qua điện thoại, giọng anh chàng Trần Hoàng Tiến (SN 1995, quê Bình Phước) rất nhỏ như muốn giấu kín tâm sự “khó nói” của mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ba năm trước, khi vào TP HCM làm công nhân, buồn vì bạn bè “có đôi, có cặp” mà mình “lẻ bóng” nên tâm trạng cũng có phần bức xúc. Cũng cần nói thêm, Tiến là chàng trai trẻ khỏe, cường tráng, “bản lĩnh đàn ông” có thừa nhưng lại chưa từng có bạn gái, chưa từng “biết mùi đời”. Trong một lần đi xe buýt vào thành phố, tình cờ Tiến gặp một cặp vợ chồng đến Bệnh viện Từ Dũ để điều trị hiếm muộn, vợ chồng nhà nọ than trách ông trời bất công, “kẻ ăn chẳng hết, người lần không ra”. Thế rồi chẳng hiểu run rủi thế nào, khi xe buýt dừng để vợ chồng nhà nọ xuống bệnh viện phụ sản, Tiến cũng xuống theo và đi vào đăng ký việc xin được hiến tinh trùng. 

Ban đầu Tiến cứ tưởng rằng việc này đơn giản, thực hiện chỉ trong nháy mắt. Ai ngờ, thủ tục khá chặt chẽ và nghiêm ngặt, anh phải làm hàng loạt xét nghiệm về máu, tinh trùng đồ, thử HIV. Bác sĩ cũng tư vấn giải thích rõ với Tiến nguyên tắc cơ bản nhất của việc hiến tinh trùng là tự nguyện và bí mật; bảo đảm bí mật tuyệt đối danh tính người cho và người nhận tinh trùng. Bản thân Tiến cũng sẽ không được biết ai sẽ là người được nhận “con giống” của mình và người nhận cũng không biết “sản phẩm” đó là của ai. Pháp luật quy định mỗi người chỉ được hiến tinh trùng duy nhất một lần trong đời. 

Đó là chuyện của ba năm trước, giờ đây Tiến đã có bạn gái và hai người đã tính chuyện hôn lễ. Trong một lần tranh luận về một câu chuyện đọc trên báo mạng, người yêu Tiến cực lực phản đối những người đàn ông xin hiến tặng “con giống” của mình. Cô ấy nói rằng không biết khi làm việc đó, người đàn ông có nghĩ đến hệ lụy khôn lường sau này là những đứa trẻ cùng huyết thống mà không hề biết sẽ lấy nhau?

Tiến đã phân tích rằng, việc hiến tặng là vì mục đích nhân đạo để giúp những phụ nữ đơn thân hoặc những bà vợ không may có chồng bị vô sinh được thực hiện thiên chức làm mẹ, còn chuyện hệ lụy như cô ấy nói chỉ chiếm tỉ lệ phần trăm cực nhỏ, khoa học hoàn toàn có thể lường trước và ngăn chặn được. Thế nhưng, người yêu Tiến không chấp nhận quan điểm đó và còn dọa sẽ chia tay. Có tật giật mình, Tiến lo lắng việc người yêu đã biết chuyện anh từng đi hiến tinh trùng? Anh băn khoăn tự hỏi có khi nào anh đã bị lộ danh tính việc đi hiến “con giống” hay không? 

Về băn khoăn của anh Tiến, luật sư phân tích: Hiến tặng tinh trùng được ghi nhận là quyền của cá nhân theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Dân sự: “Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học....”. Khoản 4 Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: “Giữ bí mật thông tin có liên quan người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học cũng quy định rõ: Việc cho và nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc bí mật. Cũng Nghị định này, cán bộ y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, người nhận tinh trùng. Tại Điều 23 Nghị định 12/2003/NĐ-CP quy định rõ người nào vi phạm các quy định của Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, anh Tiến hoàn toàn có thể yên tâm vì việc danh tính của người hiến tinh trùng được tuyệt đối bảo đảm bí mật. Vấn đề cần làm là anh sớm giải tỏa được khúc mắc với người yêu. Trường hợp anh có bằng chứng chắc chắn về việc bị lộ thông tin việc hiến tinh trùng, anh có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý đối với cán bộ y tế như trên đã hướng dẫn. /.

Đọc thêm