Dù đến nay, Yamato vẫn là tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo trong lịch sử chiến tranh, nhưng vai trò của Yamato trên chiến trường lại cực kỳ mờ nhạt, và cuối cùng phải chấp nhận một cái kết vô cùng bi thảm.
Biểu tượng của Nhật Bản
Được đóng vào năm 1937 tại Xưởng chế tạo vũ khí Hải quân Kure gần Hiroshima, Yamato được chế tạo một cách bí mật nhằm tránh “tai mắt” của Mỹ. Nhật Bản khi đó vừa mới rút khỏi Hiệp ước Hải quân với Mỹ - vốn quy định giới hạn của những chiếc tàu chiến, vì vậy Nhật Bản có thể thoải mái đóng tàu chiến với kích cỡ theo mong muốn của mình.
Yamato là chiếc tàu chiến lớn nhất và uy lực nhất của Nhật Bản ở thời điểm đó, và đến tận bây giờ vẫn chưa có con tàu nào vượt qua Yamato về mặt kích thước. Nhật Bản coi Yamato như một huyền thoại, một ví dụ rõ nét về khát vọng theo đuổi chủ nghĩa anh hùng của Nhật bản.
Và con tàu được đóng ra không chỉ khiến người Nhật mà cả thế giới phải kinh ngạc. Với chiều dài 839 feet, trọng tải 70.000 tấn, Yamato là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử chiến tranh, chỉ thua kém các tàu sân bay của Mỹ.
Yamato và chiếc tàu cùng thế hệ là Musashi được trang bị 9 đại pháo cỡ 460mm, gắn trong 3 tháp pháo, 6 súng máy 155mm, 24 súng cỡ 15mm, 162 súng diệt máy bay cỡ 25mm và 4 súng máy hạng nặng cỡ 13,2mm. 3 tháp pháo chính trên tàu nặng tới 2.500 tấn, mỗi viên đạn nặng 1.460kg với tầm bắn hiệu quả 25km, tầm bắn tối đa 42km.
Toàn bộ hỏa lực này có thể đánh chìm mọi tàu chiến của kẻ thù, thậm chí là nhiều chiếc cùng lúc. Số lượng áp đảo súng diệt máy bay sẽ giúp con tàu đối diện với sức mạnh của không quân Mỹ trong quá trình nó tiếp cận tới khoảng cách chiến đấu với tàu chiến của kẻ thù.
Nhưng thật không may cho Yamato và thủy thủ đoàn, những công nghệ mà Nhật Bản áp dụng đã trở nên lỗi thời khi Yamato được đưa vào tham chiến vào năm 1941. Các loại tàu sân bay ra đời sau đó có ưu thế vượt trội về khả năng tiếp cận nhanh chóng tới khoảng cách có thể ném bom hoặc ngư lôi và tàu chiến của đối phương.
Điều đó có nghĩa, tàu sân bay có thể tấn công tàu của kẻ thù ở khoảng cách 200 dặm hoặc hơn, cách khá xa trước khi chúng chạm tới khoảng cách mà những chiếc tàu chiến như Yamato có thể phản công bằng các loại súng máy.
Sơ đồ thiết kế của Yamato với các loại súng được bố trí dày đặc. |
Lọt ổ phục kích
Đầu năm 1945, tình thế của Nhật Bản trên chiến trường trở nên đáng lo ngại. Những thành quả mà Nhật Bản đạt được ở Thái Bình Dương dần bị đẩy lui kể từ khi quân Đồng minh đổ bộ vào Guadalcanal thuộc quần đảo Solomon hồi tháng 8/1942.
Okinawa, đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Ryukyu, là chiến tuyến trước cùng trước khi quân đồng minh vào các đảo chính của Nhật Bản. Hòn đảo này chỉ cách thành phố đảo Kagoshima 160 dặm. Khi đó, Hải quân Hoàng gia Nhật Bản phải ra một quyết định khó khăn: phải hi sinh đội tàu chiến lớn nhất, mạnh nhất từng có để bảo vệ Okinawa, cửa ngõ trước khi vào các hòn đảo chính của Nhật Bản.
Cuộc xâm chiếm Okinawa được quân đồng minh bắt đầu từ ngày 1/4/1945. Đáp lại, Nhật Bản kích hoạt Chiến dịch Ten-Go. Yamato – được hộ tàu bởi tàu Yahagi do tướng hải quân nổi tiếng Tameichi Hara chỉ huy và 8 tàu khu trục sẽ tới Okinawa để ngăn chặn đà tiến quân của quân Đồng minh. Yamato dự kiến được bố trí đậu sát bờ biển, trở thành một đội pháo phòng vệ duyên hải. Đó là một vai trò chẳng mấy vinh quang của một chiếc tàu chiến được coi là huyền thoại.
Yamato được biên chế vào Lực lượng Tấn công Đặc biệt trên biển và khởi hành từ Tokuyama của Nhật Bản từ ngày 6/4, tiến về phía Nam, quá cảnh qua Bungo Strait. Các lực lượng của Mỹ khi đó đã được cảnh báo về Chiến dịch Ten-Go nhờ vào việc bẻ khóa các mật mã của quân đội Nhật Bản, và hai chiếc tàu ngầm của Mỹ đã sẵn sàng chờ đợi để chặn đứng đội tàu của Nhật.
Yamato và đội tàu hộ tống của mình nhanh chóng lọt vào tầm quan sát của các tàu ngầm Mỹ, nhưng các tàu ngầm Mỹ vẫn chưa thể tấn công bởi đội tàu di chuyển với tốc độ nhanh theo chiến thuật hình zic-zac.
Hải quân của phe Đồng minh ở trong và xung quanh Okinawa với sáu chiếc tàu chiến thuộc Lực lượng Đặc nhiệm số 54, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Morton Deyo đã tiếp quản nhiệm vụ tấn công đội tàu của Nhật Bản. Nhưng sau đó, quân Mỹ dã thay đổi kế hoạch và quyết định triển khai một cuộc tấn công trên không phủ đầu.
Vào lúc 8h ngày 7/4, máy bay trinh sát từ Lực lượng Phản ứng nhanh thuộc quyền điều khiển của Đô đốc Mitscher, còn gọi là Đội Đặc nhiệm số 58, xác định được vị trí của Yamato, khi đó đã đi được nửa đường tới Okinawa. Mitscher phát lệnh tấn công lớn với sự tham gia của 280 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, và cuộc chiến chính thức được kích hoạt.
Những giờ phút cuối
Trong hai giờ đồng hồ, Lực lượng Tấn công Đặc biệt trên biển của Nhật Bản đã trở thành mục tiêu của một đợt ném bom ồ ạt và thảm khốc. Các phi đội gồm 11 hàng không mẫu hạm cất cánh từ tàu sân bay cũng tham gia vào đợt tấn công này, và Yamato bị bủa vây dưới một đám máy bay nhiều đến mức các máy bay của quân Đồng minh còn có nguy cơ va chạm lẫn nhau.
Các phi công vội vàng ghi chiến công đầu tiên đến mức các kế hoạch đã được vạch ra trước đó về việc hợp đồng tác chiến nhằm tấn công con tàu được đồn thổi là “không thể bị đánh chìm” đã hoàn toàn đổ vỡ, và cuối cùng thì “mạnh ai nấy làm”. Trong những giờ đầu, Yamato bị trúng 2 phát đạn pháo, 2 quả bom và 1 quả ngư lôi, cuộc tấn công trên không cũng tiêu diệt được 2 chiếc tàu hộ tống.
Phi đội hàng không thứ hai gồm 100 máy bay chiến đấu tiếp tục gia tăng sức ép cho cuộc tấn công. Khi Yamato bị nghiêng một góc hơn 20 độ, viên thuyền trưởng đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là để cho nước tràn vào khoang động cơ phía ngoài nhằm giúp con tàu cân bằng trở lại. Quyết định này khiến 300 thủy thủ bị chết đuối. Yamato sau đó bị trúng 10 quả ngư lôi và 7 quả bom nữa và bị tổn hại nặng nề.
Hình ảnh Yamato trước khi bị đánh chìm trong trận chiến bảo vệ Okinawa. |
Mặc dù đã quyết định cho nước tràn vào một phần nhằm tạo thế cân bằng, song con tàu tiếp tục bị nghiêng, và khi nghiêng tới 35 độ, mệnh lệnh đưa ra là phải hi sinh con tàu. Thuyền trưởng cùng các sĩ quan cấp cao khác đã cột chặt mình vào tàu, chịu chung số phận với con tàu trong khi các thủy thủ còn lại cố tìm cách thoát thân.
Vào lúc 14h23 phút, điều không mong chờ đã đến. Kho đạn phía trước của Yamato nổ tung như một vụ nổ hạt nhân. Sau này, viên sĩ quan lái tàu trên một trong những chiếc tàu khu trục còn sống sót khi đó tả lại rằng “các cột lửa bốc cao tới 2.000m tạo ra đám mây hình nấm cao tới 6.000m”. Ánh sáng từ vụ nổ kết thúc số phận của tàu Yamato có thể nhìn thấy từ Kagosima trên đất liền của Nhật Bản.
Vụ nổ thậm chí còn phá hủy một số máy bay của Mỹ khi đó đang bay lượn trên bầu trời để quan sát. Kết thúc đợt tấn công, Lực lượng Đặc nhiệm Tấn công trên biển gần như bị phá hủy hoàn toàn. Yamato, tàu tuần dương Yahagi và 3 chiếc tàu khu trục khác bị đánh chìm. Một số tàu hộ tống cỡ nhỏ khác bị hư hỏng nặng. 2.498 trong số 2.700 thủy thủ trong hạm đội thiệt mạng sau thảm họa này.
Kết cục bi thảm của Yamato được cho là do sai lầm của các tướng lĩnh cấp cao của Nhật Bản. Việc các tướng lĩnh cấp cao của Nhật bản nhất định muốn đóng Yamato khi thời đại của những tàu sân bay đã thay thế các con tàu chiến cỡ lớn đã hủy hoại những thành quả mà Nhật bản đã giành được trước đó trong cuộc chiến, khiến hàng nghìn thủy thủ phải hi sinh một cách không đáng.
Số phận bi thảm của Yamato cũng là lời cảnh báo cho các nhà phát triển vũ khí sau này rằng việc theo kịp với các công nghệ trong lĩnh vực khí tài quân sự đôi khi có tính chất quyết định thắng – bại trong một cuộc chiến...