Trần Chí Cao xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, bối cảnh gia đình rất mạnh, người cha Trần Kỳ Thọ suốt 18 năm là Chánh tòa hình sự trong khu tô giới Pháp ở Thượng Hải, tiếng nói rất có sức nặng trong giới tư pháp Thượng Hải. Ông Trần Kỳ Thọ rất thích Hoàng Mộ Lan nên nhận bà làm con nuôi
Giải cứu
Trần Chí Cao nói với cha, Hoàng Mộ Lan có người họ hàng xa tên Lý Thế Trân bị cảnh sát bắt nhầm hiện bị giam ở nhà tù Long Hoa, không biết có sắp xếp cứu ra được không?. Trần Thọ đáp ứng ngay. Được Trần Kỳ Thọ ra tay hướng dẫn và giúp đỡ, Quan Hướng Ứng đã được thả sau hơn nửa năm bị giam cầm.
Hoàng Mộ Lan và Trần Chí Cao mang xe hơi đến nhà tù Long Hoa đón ông ra và thuê phòng ở khách sạn Đông Phương để ông nghỉ ngơi lấy lại sức. Ít lâu sau, Quan Hướng Ứng được trung ương cho người đến đón đưa về khu Xô Viết Tương Ngạc Tây (vùng tự do ở giáp giới 3 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam) để đảm nhận chức Bí thư Quân ủy biên khu kiêm chính ủy quân đoàn 3 Hồng quân.
Trong thời gian giải cứu Quan Hướng Ứng, Trần Chí Cao rất thích người phụ nữ xinh đẹp, thông minh này nên bắt đầu theo đuổi và hẹn hò với Hoàng Mộ Lan. Chiều 22/6/1931, hai người cùng nhau đi xem phim.
Do chưa tới giờ chiếu phim nên họ tìm một quán cà-phê ngồi trò chuyện. Hai người vừa yên chỗ thì lại có một người bước vào. Đó là Tào Bỉnh Sinh, phiên dịch tiếng Pháp của nhà chức trách tô giới. Tào là bạn đồng học của Trần nên vừa gặp mặt, câu chuyện giữa họ đã trở nên sôi nổi.
Trong lúc trò chuyện, Tào Bỉnh Sinh tiết lộ: Hôm rồi lính tuần tra bắt được một tay trùm cộng sản tuổi độ ngoài 50, người Hồ Bắc. Người này mũi cao, có răng vàng, một bàn tay chỉ có 4 ngón, người rất vạm vỡ nhưng rất non gan, chưa bị tra tấn đã khai tuốt mọi chuyện.
Phát hiện “động trời”
Người nói vô ý, người nghe để tâm. Hoàng Mộ Lan nghe chuyện vừa tỏ ra uống cà-phê bình thường, vừa lo lắng lục tìm trí nhớ xem người đó là ai? Đợi Tào Bỉnh Sinh đi rồi, Hoàng Mộ Lan lấy cớ nhức đầu, không xem phim nữa, bảo Trần Chí Cao đưa về. Về đến nhà, bà liền gọi điện thoại thông báo cho Phan Hán Niên yêu cầu gặp mặt gấp.
Khi gặp, bà nói: “Liệu có phải người đó là Tổng Bí thư Hướng Trung Phát?”. Phan Hán Niên: “Đúng, chính là ông ấy. Hồi trẻ vì chiếc nhẫn ông ấy đã chặt một ngón tay ở bàn tay trái”. Rồi Phan Hán Niên vội đứng dậy đi ngay.
Sau khi nhận được mật báo của Phan Hán Niên, Chu Ân Lai vội vã chuyển nhà, các thành viên lãnh đạo bí mật khác của ĐCS Trung Quốc cũng tới tấp đổi chỗ ở.
Kẻ phản bội mà Tào Bỉnh Sinh nói ra chính là Tổng Bí thư Hướng Trung Phát. Để xác thực việc Hướng Trung Phát phản bội, một mặt Chu Ân Lai cho nội tuyến thăm dò thêm, một mặt phái thành viên Ban đặc biệt mật phục trinh sát tình hình gần ngôi nhà mà ông và Hướng Trung Phát cùng ở.
Lúc đó, ở Thượng Hải có một tốp người đêm đêm quảy gánh đi bán mì vằn thắn dạo thâu đêm suốt sáng. Khang Sinh tham gia trong ban lãnh đạo Ban đặc biệt liền cử hai đội viên đóng giả người bán mì dạo tiếp cận quan sát các ngôi nhà cũ mà Chu Ân Lai, Hướng Trung Phát và Lý Phú Xuân đã dời đi.
Quả nhiên, đến khoảng 1 giờ đêm thì thấy 1 người tay bị còng dẫn theo một toán lính tuần tra tới. Họ trực tiếp dùng chìa khóa mở cửa ngôi nhà là nơi ở của Chu Ân Lai rồi xông vào. Dĩ nhiên là họ vồ hụt. Ngôi nhà của Chu Ân Lai chỉ có 3 chiếc chìa khóa, ông và bà Đặng Dĩnh Siêu mỗi người giữ 1 chiếc, chiếc còn lại ông đưa cho Hướng Trung Phát. Nếu vợ chồng ông không có nhà, Hướng Trung Phát có thể tùy ý mở cửa ra vào như người trong nhà.
Rõ ràng, kẻ dẫn lính nửa đêm mò đến nhà Chu Ân Lai định bắt ông chính là Hướng Trung Phát! Trong một thời gian rất dài, chuyện Hướng Trung Phát phản bội không được công khai. Mãi đến năm 1993, Đặng Mao Mao, con gái Đặng Tiểu Bình khi đề cập đến chuyện này trong cuốn “Cha tôi Đặng Tiểu Bình” mới nhắc đến tên tuổi và công lao của Hoàng Mộ Lan trong sự kiện này.
Sau vụ phát giác Hướng Trung Phát và giải thoát Quan Hướng Ứng, Hoàng Mộ Lan còn giải cứu nhiều người khác, trong đó có bà Trần Tôn Anh, phu nhân ông Nhiệm Bật Thời, Trần Canh, Liêu Thừa Chí…đặc biệt giúp Chu Ân Lai dẹp yên tin đồn ông ly khai đảng, giữ uy tín cho lãnh đạo đảng…
Hướng Trung Phát - Tổng bí thư phản đảng |
Giúp bác tin đồn “Ngũ Hào bỏ Đảng”
Ngũ Hào là bút danh ông Chu Ân Lai sử dụng trong thời kỳ Phong trào Ngũ Tứ. Lúc đó, Hội Liên hiệp học sinh Thiên Tân và Hội đồng chí yêu nước của nữ học sinh Thiên Tân lập ra một tổ chức mang tên Giác Ngộ Xã và xuất bản không định kỳ tập san “Giác ngộ”, yêu cầu tất cả các thành viên lãnh đạo dùng bút danh để viết bài.
Xét thấy tổ chức trong tương lai sẽ mở rộng, họ lập ra 50 bút danh để các thành viên tự chọn. Khi đó Đặng Dĩnh Siêu lấy bút danh Dật Hào, Chu Ân Lai là Ngũ Hào, Chu Ân Lai rất thích bút danh này.
Đầu tháng 12/1931, Chu Ân Lai khi đó chủ trì công tác lãnh đạo Quân ủy Trung ương được một liên lạc viên dẫn xuống tàu ở cầu cảng số 16 bến Thượng Hải đi trên chiếc tàu thủy của Anh tới Sán Đầu, sau đó từ Sán Đầu qua Triều Châu, Trường Thinh, tới cuối tháng 12 thì đến Thụy Kim – thủ phủ Khu Xô-viết trung ương và giữ chức Bí thư Trung ương Cục Khu Xô-viết.
2 tháng sau khi Chu Ân Lai rời khỏi cơ quan lãnh đạo lâm thời trung ương ở Thượng Hải, ngày 16/2/1932, tờ “Thời báo” Thượng Hải đột nhiên đăng quảng cáo “Ngũ Hào tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản”. Nội dung quảng cáo đó cũng được đằng trên “Thời báo” ngày 17/2 và “Thân báo” các ngày 20, 21/2.
Trong giới lãnh đạo lớp trên của ĐCS Trung Quốc ai chả biết “Ngũ Hào” chính là Chu Ân Lai nên bản quảng cáo đó gây nên sóng gió và khiến dư luận hoang mang. Đương nhiên, những người sáng suốt nhìn qua đã biết quảng cáo này là trò lừa đảo của cơ quan đặc vụ Quốc Dân đảng, mục đích nhằm bôi lem Chu Ân Lai, gây hỗn loạn và phá vỡ tổ chức bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi đó, Chu Ân Lai thông qua Phan Hán Niên, cho tìm Hoàng Mộ Lan, nói: “Từ khi Cố Thuận Chương phản đảng, kẻ thù liên tiếp tung tin bịa đặt tôi đã phản bội, đầu thú. Cô hãy nghĩ cách gì để đính chính thay tôi, vạch trần thủ đoạn đê tiện, bỉ ổi của kẻ địch”. Hoàng Mộ Lan suy nghĩ một lúc rồi cầm bút, dự thảo một bài: “Luật sư Trần Chí Cao thay mặt Ngũ Hào thông báo: Tôi đây vẫn mạnh khỏe, mong bạn bè thân hữu đừng tin…”.
Sau khi đọc bản thảo, Chu Ân Lai rất hài lòng, nói: “Cô quả là nữ Gia Cát, vừa nhíu mày là đã nghĩ ra kế. Việc này cần cô gặp gỡ thương lượng với luật sư Trần để làm thế nào vừa hiệu quả lại vừa ổn thỏa, kín kẽ nhé!”. Ông nói thêm: “Cô làm việc rất tốt, đồng chí Phan Hán Niên cũng rất cừ, hai người phối hợp rất tốt. Tổ chức đảng sẽ cho người thường xuyên giữ liên lạc đơn tuyến với cô. Cô nhất định phải cẩn thận, hết sức bảo trọng!”.
Sau khi cáo biệt Chu Ân Lai, Hoàng Mộ Lan mang theo bản thảo tìm gặp Trần Chí Cao thương lượng. Trần Chí Cao rất khâm phục những bài viết của Ngũ Hào, nhưng khi đó vẫn chưa biết đó chính là Chu Ân Lai.
Ông nói: “Được biện hộ cho người viết chuyên mục trên “Hồng kỳ” là điều rất vinh hạnh, tôi không từ chối! Nhưng làm như thế này, sau khi báo đăng quảng cáo, chính phủ Nam Kinh nhất định sẽ truy cứu vụ việc, tất sẽ chất vấn tôi: ai giới thiệu Ngũ Hào cho ông?
Hoặc: ai thay mặt Ngũ Hào đến nhờ ông đăng bản quảng cáo này? Tôi biết trả lời ra sao? Đừng vội, để tôi suy xét, nghĩ cách gì vừa có thể công khai bác bỏ tin đồn lại vừa an toàn tuyệt đối”. Ông đề nghị tìm luật sư người Pháp Pahart đang là cố vấn pháp luật của tờ “Thân báo” thay mặt Chu Thiếu Sơn (tên khác của Chu Ân Lai) để đăng thông báo khẩn cấp.
Ngày 4/3/1932, tờ “Thân báo” đăng “Thông báo khẩn cấp của luật sư Pahart đại diện cho Chu Thiếu Sơn”, viết: “Tôi, Chu Thiếu Sơn tuyên bố, khi viết báo tôi đã dùng biệt danh Ngũ Hào. Gần đây có báo đăng quảng cáo về Ngũ Hào và 243 người từ bỏ Đảng Cộng sản, khiến bạn bè, thân thích ở trong, ngoài nước chính sách nhọc công gọi điện đến hỏi. Tôi lấy tên Ngũ Hào ngoài việc viết báo ta, chưa hề sử dụng vào hoạt động khác. Thế thì Ngũ Hào đó là người khác, không liên quan gì đến cái gọi là ‘243 người từ bỏ Đảng Cộng sản’ “.
Sau này Hoàng Mộ Lan nhớ lại: “Quảng cáo đó không lấy danh nghĩa Ngũ Hào mà nhân danh Chu Thiếu Sơn, lại nói Ngũ Hào là bút danh của Chu Thiếu Sơn. Động tác này rất kỳ diệu, vì sau khi báo đăng, Quốc Dân đảng lập tức cho người đến tìm Pahart hỏi Ngũ Hào ở đâu?
Pahart đáp”: “Đương sự của tôi là Chu Thiếu Sơn, chỉ có biệt danh là Ngũ Hào, Ngũ Hào mà các ông tìm không phải người này, Ngũ Hào kia cũng đã đăng quảng cáo, các ông trực tiếp đi mà tìm hắn”. Nội dung quảng cáo này cũng chỉ rõ quảng cáo khi trước của Ngũ Hào là bịa đặt…
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 95, ngày 13/3/2017)