Sơ thẩm đường dây chuyển trái phép 30 ngàn tỷ đồng qua biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 21/12, Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn và 10 người khác bị TAND Hà Nội đưa ra xét xử về tội Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, theo khoản 3 Điều 189 BLHS. Một bị cáo khác cũng bị truy tố nhưng đã tử vong trước khi phiên xử diễn ra.
Đối tượng Nguyệt.
Đối tượng Nguyệt.

Theo cáo trạng, từ 2016, Nguyệt được một số người thuê chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, hưởng phần trăm trên số tiền giao dịch. Để hợp thức hoá, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (ngụ Quảng Ninh) với giá 30 - 40 triệu đồng mỗi bộ.

Hai người này sau đó ngụy tạo mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng cách chung tiền mua linh kiện điện tử của một người bên Trung Quốc, nhập về Việt Nam rồi tái xuất quay về lại chính người này. Từ đó, Thuật mở 49 tờ khai tạm xuất nhập khẩu hàng hóa, sử dụng hai Cty trên để thanh toán. Tổng số tiền Thuật và Nguyệt chuyển ra nước ngoài hơn 3.800 tỷ đồng và hưởng lợi 152 triệu đồng.

Từ 2017, khi biết rõ các thủ đoạn, cách thức vận chuyển tiền ra nước ngoài, Nguyệt cùng chồng tự mở đường dây mới. Vợ chồng Nguyệt rủ thêm người nhà, gồm em trai Nguyễn Văn Thắng và các cậu, chú, dì, cháu ruột cùng tham gia.

Nguyệt mượn CMND của 8 người thân lập 8 Cty để lợi dụng pháp nhân mở hồ sơ khống chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Thực tế, 8 Cty không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nguyệt chỉ đạo các đồng phạm lập hợp đồng kinh tế khống, con dấu nước ngoài, tự ký chữ ký giả. Nội dung về mua bán linh kiện điện tử của các Cty Singapore để xuất bán sang Trung Quốc, mục đích mở được tờ khai hải quan.

Để có hàng hóa, Nguyệt chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử, đóng thành 12 thùng. Cùng lúc, Nguyệt thuê một người khác sử dụng lô hàng này để quay vòng theo chiều Việt Nam - Singapore và ngược lại, cho tất cả hợp đồng mua bán khống.

Người của Nguyệt sẽ đến sân bay Nội Bài mở tờ khai hải quan, làm thủ tục tái xuất các kiện hàng này. Sau khi lấy được phiếu thông qua, giấy xuất kho, Thắng sử dụng ôtô vận chuyển các kiện hàng lên cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai, làm thủ tục tái xuất.

VKS xác định lợi dụng sự thiếu kiểm tra giám sát của cán bộ Hải quan, Thắng chỉ vận chuyển một phần các kiện hàng, rồi thuê người vận chuyển ngược về Việt Nam để quay vòng.

Trong khi Thắng vận chuyển các lô hàng đi lòng vòng, vợ chồng Nguyệt - Tuấn cùng đồng phạm sẽ quản lý dòng tiền mà khách cần chuyển trái phép. Nguyệt và Tuấn trực tiếp thỏa thuận với khách về tỷ giá quy đổi ngoại tệ và thù lao chuyển tiền.

Thống nhất xong, khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của những bị cáo này. Tiền tiếp tục được chuyển vào tài khoản của 8 Cty để thực hiện giao dịch quy đổi ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài.

Cuối cùng, vợ chồng Tuấn - Nguyệt liên hệ nhân viên một số ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai thỏa thuận sẽ gửi chứng từ, hồ sơ qua bưu điện và email để thực hiện chuyển tiền quốc tế.

Từ tháng 8/2017 - 9/2020, nhóm Nguyệt đã lợi dụng pháp nhân 8 Cty chuyển trót lọt ra nước ngoài 30.498 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Tại phiên toà, Nguyệt thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu. Nguyệt khai, mọi quy trình vận chuyển tiền ra nước ngoài đều tự nghĩ ra chứ không phải ai hỗ trợ hoặc "bày cách". Nguyệt cảm thấy ân hận vì "cái giá phải trả quá đắt" và đã lôi kéo nhiều người thân trong gia đình vướng lao lý.

Về quy trình chuyển tiền, Nguyệt cho hay, người thuê sẽ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Nguyệt và những người khác. Bị cáo sau đó dùng tiền này ra ngân hàng mua ngoại tệ, sau đó "nhờ" luôn nhân viên các ngân hàng chuyển tiền vào các số tài khoản ở nước ngoài do Nguyệt chỉ định.

Ngoài thông qua ngân hàng, Nguyệt khai còn nhờ một số người ở các tiệm vàng trên chợ Hà Trung (Hà Nội) chuyển tiền hộ. Nguyệt chỉ cần đưa số tài khoản, còn việc chuyển ngoại tệ do những người khác lo.

Theo cáo trạng, trong nhóm nhân viên ngân hàng liên quan đường dây này, có hai người đã hưởng lợi 270 triệu đồng. Hai người này đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh phạt 4 năm 6 tháng và 5 năm tù về tội Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Một người thuộc Mbbank Chi nhánh Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hiện bị khởi tố trong vụ án khác về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Quá trình điều tra, Thắng khai mỗi lần làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu, tái xuất, đều phải "bồi dưỡng" 500.000 - 1.000.000 đồng cho một số cán bộ Hải quan Nội Bài, tỉnh Lào Cai và Hà Nội. Tuy nhiên, các cán bộ này phủ nhận, Thắng cũng không đưa ra được chứng cứ nên CQĐT không đề cập xử lý.

Cơ quan tố tụng cho biết đã tách tài liệu liên quan các "khách hàng" thuê nhóm Nguyệt chuyển tiền trái phép và các cá nhân liên quan khác tiếp tục điều tra, xử lý.

Dự kiến hôm nay (22/12), HĐXX sẽ tuyên án.

Đọc thêm