Sở Tư pháp Cà Mau không ngừng nâng chất hiệu quả tuyên truyền pháp luật

Xác định công tác “chở” luật đến gần dân là việc làm chủ đạo giúp nâng cao sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, nên trong nhiều năm qua, Sở Tư pháp Cà Mau luôn xem đây là công tác trọng tâm và đẩy mạnh tăng cường công tác này bằng nhiều hình thức mới lạ, sáng tạo và hiệu quả.
Nhiều tình huống pháp luật được các đội thi đưa lên sân khấu tại Hội thi tìm hiểu pháp luật.
Nhiều tình huống pháp luật được các đội thi đưa lên sân khấu tại Hội thi tìm hiểu pháp luật.

Huy động và nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực 

Để thống nhất triển khai hiệu quả công tác này trong toàn tỉnh, Sở Tư pháp Cà Mau đã trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở.

Trên cơ sở đó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Các cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Ngoài ra, còn chủ động phối hợp liên ngành thực hiện các hoạt động như: Thi tìm hiểu pháp luật; kiện toàn tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện ngày pháp luật…

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngành Tư pháp Cà Mau đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL. Từ năm 2003 đến nay, đã 5 lần rà soát, kiện toàn nguồn nhân lực. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 94 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; gần 250 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; trên 2.300 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Ngoài ra, còn có còn có khoảng 300 luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, luật gia, giảng viên luật và hơn 4.000 người là thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Hội thẩm nhân dân, chấp hành viên, công chứng viên, Thuế, Kiểm lâm, Hải quan và các phóng viên báo, đài...thường xuyên tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nhất là trong thi hành pháp luật. 

Các sở, ngành tỉnh hầu hết đều có bố trí cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác PBGDPL; 9/9 huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách làm công tác PBGDPL; 101/101 xã, phường, thị trấn có 2 cán bộ tư pháp - hộ tịch; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được củng cố, kiện toàn, đông về số, mạnh về chất, thường xuyên được tập huấn, bồi duỡng kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Đặc biệt, thời gian qua, Sở cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL. Không ngừng đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, nhất là việc rèn luyện kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác PBGDPL. Bình quân, mỗi năm đội ngũ thường xuyên tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn đều được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất từ 1 - 2 lần.

Sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền mới lạ

Để người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ tiếp thu các văn bản pháp luật, Cà Mau đã sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền. Từ tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật, thi hòa giải viên giỏi, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật cho đến các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, phiên toà lưu động…

Việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được các cấp, các ngành quan tâm, đã xây dựng được nhiều chuyên trang, chuyên đề, tăng thời lượng, chất lượng tuyên truyền pháp luật, nhất là chuyên đề pháp luật và đời sống, hộp thư công dân, an toàn giao thông, cải cách hành chính… góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật, trả lời thư thính giả đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. 

Hoạt động biên soạn và pháp hành tài liệu tuyên truyền pháp luật ngày càng đa dạng, phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu như: tờ rơi, tờ gấp sách bỏ túi, sách hỏi đáp, đĩa CD, Bản tin Tư pháp, panô, áp phích… cấp phát miễn phí cho cơ sở và nhân dân.

Tủ sách pháp luật được xây dựng và củng cố, đến nay 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật; nhiều cơ quan, trường học, đồn biên phòng, điểm bưu điện văn hóa xã, các doanh nghiệp, thư viện… có tủ sách hoặc ngăn sách pháp luật. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn được lồng ghép vào hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, xét xử lưu động, hòa giải cơ sở. 

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn có nhiều mô hình hiệu quả như tuyên truyền pháp luật, giải đáp pháp luật trên trang thông tin điện tử; lồng ghép tuyên truyền pháp luật với hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, với các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, cổ động trực quan;

Chỉ đạo thành lập Tổ nòng cốt vận nhân dân chấp hành pháp luật và ký cam kết hộ gia đình không vi phạm pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua phong trào thanh niên tình nguyện; tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa xét xử lưu động; tuyên truyền pháp luật, giải đáp pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa tủ sách pháp luật về bưu điện văn hóa xã, trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, khóm…

Các mô hình trên đã góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

Đọc thêm