Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2019, các mặt công tác tư pháp đã được Sở Tư pháp Hải Dương triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Công tác xây dựng thể chế, chính sách trong lĩnh vực tư pháp được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả.
Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Đề án nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021, Quy định quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực của tỉnh... Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời, Sở còn phối hợp với các ngành, các cơ quan hữu quan quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện như: thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chuyển biến tích cực; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có sự đổi mới; Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch và chứng thực đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân; Đội ngũ cán bộ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh được tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ quản lý xử lý vi phạm hành chính; Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước theo chức năng theo dõi thi hành pháp luật...
Tuy nhiên, Sở Tư pháp Hải Dương cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trongb 6 tháng đầu năm như: một số sở, ngành chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục xây dựng văn bản, chất lượng một số dự thảo văn bản chưa đáp ứng yêu cầu, một số Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình thông qua kỳ họp của UBND tỉnh bị trả lại; Công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa phát huy hiệu quả cao, công tác xử lý vi phạm hành chính ở nhiều địa phương, đơn vị còn xảy ra sai sót; Còn có tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, đấu giá tài sản chưa nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động; Một số nhiệm vụ chuyên môn ở cấp huyện, cấp xã thực hiện còn chậm. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn thiếu thông tin, số liệu, chậm so với thời gian quy định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số ngành, địa phương chưa quán triệt, thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản đề nghị thẩm định chưa đảm bảo về hồ sơ, thời hạn; chưa chủ động, chú trọng triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp. Công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra giám sát việc thực hiện của thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn chậm trễ, thiếu quyết liệt, cách thức triển khai chưa khoa học và thiếu sự phối hợp trong việc tham mưu tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, đại diện phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã...cũng đã tham gia trao đổi thông tin, ý kiến, phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp tại cơ sở. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở và đại diện các phòng, đơn vị chức năng thuộc Sở đã có những giải đáp, chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt hơn nữa công tác tư pháp trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2019, toàn ngành tư pháp Hải Dương tập trung thực hiện hiệu quả các kế hoạch công tác tư pháp năm 2019, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp cho UBND cấp huyện, cấp xã. Thực hiện công tác thanh kiểm tra theo hướng tập trung, nhanh chóng, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, cập nhật đầy đủ, kịp thời văn bản QPPL Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền. Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật tiếp cận thông tin. Tổ chức thực hiện hiệu quả “Ngày pháp luật” năm 2019 ở các ngành, địa phương.
Ngoài ra Sở cũng yêu cầu các phòng tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành các văn barnnQPPL về quốc tịch, chứng thực, kết lối vận hành hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp. Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết bảo đảm đúng thời hạn, có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo...
Kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Quang Giáp yêu cầu thời gian tiếp theo, các phòng tư pháp, cấp chức năng trong tỉnh cần tập trung hoàn thành tốt hơn nữa các chương trình, kế hoạch đã đề ra, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để đưa toàn ngành tư pháp Hải Dương ngày càng phát triển, toàn diện, hữu ích hơn.