Sở Tư pháp Thanh Hoá 40 năm xây dựng và phát triển

(PLVN) - Trải qua 40 năm kể từ ngày được thành lập, trong suốt chặng đường đã qua Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã trải qua nhiều bước phát triển quan trọng, luôn bám sát nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Sở Tư pháp Thanh Hoá 40 năm xây dựng và phát triển

Nhiều thành tựu trên các lĩnh vực

Sở Tư pháp Thanh Hoá được thành lập ngày 17/5/1983 theo Quyết định số 326/TC-UBTH của UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành Tư pháp Thanh Hóa đã có những thăng trầm theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, song vượt lên trên tất cả ngành Tư pháp Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Từ bước khởi đầu thành lập với tổ chức bộ máy chỉ có 12 cán bộ với 4 phòng nghiệp vụ, đến nay Sở Tư pháp đã được giao thực hiện 36 nhiệm vụ; để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bộ máy tổ chức của Sở cũng được tăng cường, phát triển về số lượng và chất lượng.

Hiện tại, Sở Tư pháp Thanh Hoá có 6 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, với tổng số 120 công chức, viên chức và lao động hợp đồng; 100% công chức, viên chức tốt nghiệp đại học, nhiều đồng chí có trình độ thạc sĩ, cao cấp chính trị, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính. Hiện, toàn tỉnh có 39 tổ chức hành nghề luật sư; 4 trung tâm tư vấn pháp luật; 52 tổ chức hành nghề công chứng; 40 tổ chức bán đấu giá tài sản; 2 tổ chức giám định tư pháp; 3 văn phòng thừa phát lại.

Sở Tư pháp Thanh Hoá họp giao ban triển khai nhiệm vụ
Sở Tư pháp Thanh Hoá họp giao ban triển khai nhiệm vụ

Đối với công tác tư pháp trong toàn tỉnh, sở còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện trong việc xây dựng, củng cố đội ngũ công chức tư pháp cấp cơ sở. Hiện nay Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn của 27 phòng tư pháp với 89 công chức. Trên địa bàn tỉnh hiện có 915 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; 4.860 tổ hòa giải với trên 25.000 hòa giải viên; 130 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 592 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 6.715 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 80 cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Hằng năm, sở có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ công chức tư pháp ở cơ sở.

Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước và của tỉnh Thanh Hóa, phạm vi hoạt động của ngành Tư pháp Thanh Hóa được mở rộng cả về quy mô, chất lượng và bề rộng lẫn chiều sâu; ngày càng hướng mạnh về cơ sở, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn kỷ cương pháp luật, an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, Sở Tư pháp đã tìm tòi, nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng các nhiệm vụ để tham mưu đắc lực cho chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành bằng pháp luật.

Trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập, đổi mới, Sở Tư pháp đã không ngừng tự đổi mới, có những giải pháp để tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả nổi bật mang dấu ấn đặc trưng của Ngành

Cụ thể: Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp trong xây dựng, thẩm định và tham gia đóng góp ý kiến cho hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để trình HĐND và UBND tỉnh ban hành; giúp UBND tỉnh đóng góp, tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân và các ngành, các cấp vào dự thảo Hiến pháp và nhiều Bộ Luật quan trọng; không chỉ tham mưu trong xây dựng thể chế chính sách, Sở Tư pháp còn tham mưu cho UBND các cấp giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc pháp luật, các tranh chấp, các vấn đề cấp bách, phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với việc tích cực tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết các vụ việc phức tạp, Sở đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung theo dõi thi hành pháp luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Qua đó, phát hiện những bất cập của các cơ chế, chính sách và các thiết chế quản lý, để tham mưu kịp thời biện pháp khắc phục khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản phục vụ cho công tác quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, ngày càng hướng mạnh về cơ sở. Cùng với việc chú trọng tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và triển khai các Đề án, chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; những năm qua, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai kịp thời các Luật mới được Quốc hội thông qua. Quá trình triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã có nhiều đổi mới về cách thức triển khai, hình thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghề thông tin trong hoạt động PBGDPL... Qua đó, đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đưa nhanh pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Công tác trợ giúp pháp lý, đây là chính sách quan tâm của đảng và nhà nước về hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Sở Tư pháp đã tăng cường chỉ đạo hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em.Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động Bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tiếp tục được đẩy mạnh xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Sở Tư pháp đã tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp như: công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại …, đồng thời góp phần tạo sự phát triển bền vững cho các tổ chức bổ trợ tư pháp để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của tổ chức và người dân.

Ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong sự phát triển của địa phương

Trải qua 40 năm kể từ ngày được thành lập, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, trong suốt chặng đường đã qua Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã trải qua nhiều bước phát triển quan trọng, luôn bám sát nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và tập trung trí tuệ, sức lực để thực hiện đồng bộ, sâu rộng các lĩnh vực công tác của ngành như xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp... ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương và trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tập thể cán bộ Sở Tư pháp Thanh Hoá
Tập thể cán bộ Sở Tư pháp Thanh Hoá

Trong thời gian tới, Sở Tư pháp Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực để tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân;

Đồng thời đổi mới cách thức, mô hình, tạo chuyển biến thực sự rõ nét trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tiếp tục xã hội hóa gắn với quản lý chặt chẽ tổ chức và hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý; thực hiện tốt chương trình hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của ngành...

Ông Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa

Ông Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa khẳng định: “chặng đường 40 năm đã qua của Sở Tư pháp Thanh Hóa là một trang sử hào hùng của ngành Tư pháp Thanh Hóa. Thành tựu ngày hôm nay Sở Tư pháp Thanh Hóa có được là sự đoàn kết nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ các đồng chí lãnh đạo và tập thể cán bộ qua các thời kỳ xây dựng và phát triển. Các thế hệ cán bộ, công chức ngành Tư pháp Thanh Hóa luôn xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình, cùng đồng lòng, hợp sức phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn cách mạng. Từ đó, khẳng định tinh thần, nội lực, ý chí và quyết tâm của các thế hệ cán bộ ngành Tư pháp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được trong những năm qua, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Sở Tư pháp Thanh Hóa ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu, chỗ dựa tin cậy của chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong quản lý công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh; được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả hoạt động của ngành Tư pháp đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Đọc thêm