Tham dự Hội thảo có TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH TP HCM; GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH TP HCM; ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS); ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục THADS TP HCM; ông Nguyễn Văn Lực, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; cùng lãnh đạo các cơ quan thi hành án, tòa án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, thừa phát lại và các cơ sở đào tạo luật tại TP HCM.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội thảo Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án Dân sự năm 2025. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM cho biết, Luật THADS hiện hành đã tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia nhưng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót... Việc góp ý hoàn thiện Dự thảo (lần thứ 3) Luật THADS năm 2025 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Kết quả của Hội thảo cùng với bản kiến nghị cụ thể về những quy định trong Dự thảo sẽ là cơ sở để Bộ Tư pháp xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết để trình Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua Luật này.
Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài trường. Ban Tổ chức đã thống nhất lựa chọn 6 bài tham luận để trình bày tại Hội thảo với hai phiên làm việc.
![]() |
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các phương hướng, giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Luật THADS năm 2025. |
Tại Hội thảo, ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước, Chánh án TAND quận Bình Tân đánh giá, thời gian qua, Tòa án đã phối hợp tốt với cơ quan THADS, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn “lấn cấn” giữa hai phương án là hoạt động thi hành án thuộc Bộ Tư pháp hay Tòa án quản lý. Trong đó, một số quy định trong Dự thảo, một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc về Tòa án, một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc về cơ quan THADS. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật THADS nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về mối liên hệ giữa Tòa án và cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án, quyết định do Tòa án ban hành.
ThS. Lê Duy Bảo Chinh, VKSND quận Gò Vấp thì cho rằng, khoản 3 Điều 15 Dự thảo hiện đang để ngỏ một khoảng trống pháp lý cần phải bổ sung, đó là việc các cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ người được thi hành án trong quá trình thu thập thông tin về người bị thi hành án để cung cấp cho tổ chức thi hành án trong trường hợp người được thi hành án thực hiện quyền yêu cầu theo khoản 3 Điều 15. Nội dung này cần được minh thị bằng một điều khoản xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan để đảm bảo quyền của đương sự trong quá trình thi hành án...
![]() |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các phương hướng, giải pháp để hoàn thiện Dự thảo Luật THADS năm 2025 theo định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào THADS, Chấp hành viên Đăng Thị Thương Hoài, Cục THADS TP HCM đưa ra các thông số thực trạng và đáng giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống các cơ quan THADS Thành phố. Bà đề xuất số hóa hồ sơ tổ chức thi hành án; Phần mềm thụ lý và tổ chức thi hành án; Chủ trương xây dựng thí điểm Phần mềm thông báo về thi hành án… để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành án. Điều này cũng sẽ kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết vụ Vạn Thịnh Phát trong việc thu hồi tối đa tiền, tài sản cho Nhà nước, cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.