Làm rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Hiến pháp năm 2013
Ngày 27/3, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học trọng điểm về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những yêu cầu phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, việc xây dựng một bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân quyền, phân cấp trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới đất nước.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định quan điểm này qua Nghị quyết số 18 NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hướng tới “bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành các quá trình kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Bộ máy chính quyền địa phương trực tiếp tạo ra tiền đề để đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Tô Văn Hòa, mô hình tổ chức hiện hành với ba cấp hành chính (tỉnh - huyện - xã) đang bộc lộ nhiều bất cập, tốn kém nguồn lực và thiếu linh hoạt trong ra quyết định. Việc rà soát, hoàn thiện Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm tính khả thi, tính tiên phong và tính dẫn dắt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sửa đổi Hiến pháp không chỉ là yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước mà còn là nhiệm vụ chiến lược, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Tô Văn Hòa khẳng định, trong bối cảnh đó, Tọa đàm khoa học này được tổ chức nhằm làm rõ các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Hiến pháp năm 2013; đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung trực tiếp vào các nội dung của Hiến pháp năm 2013; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan nhằm tạo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Có thể phân biệt đơn vị hành chính cơ sở ở nông thôn và đô thị
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ sự quan tâm đến sửa đổi, bổ sung các quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013.
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp nêu hai nguyên tắc cơ bản trong vấn đề tổ chức chính quyền địa phương là nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc chuyên ngành. Theo GS Liên, trong quản lý nhà nước, nếu áp dụng không hợp lý, chúng ta có thể rơi vào tình trạng phân tán, thiếu hiệu quả. Ở địa phương, hiện nay có sự kết hợp giữa hai nguyên tắc này, nhưng trong quản lý đô thị, cần ưu tiên nguyên tắc chuyên ngành để bảo đảm tính thống nhất. Nếu chia cắt bộ máy theo lãnh thổ quá cứng nhắc - như chia nhỏ các đơn vị giao thông, điện lực, đường sá - sẽ gây ra nhiều khó khăn trong vận hành. Do vậy, với đô thị, bộ máy quản lý nên được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, với chính quyền một cấp để bảo đảm sự đồng bộ.
Còn ở nông thôn, việc duy trì chính quyền hai cấp là cần thiết. GS Liên lý giải, chính quyền địa phương hình thành theo hai con đường: tự nhiên và nhân tạo. Một số địa phương phát triển từ các cộng đồng dân cư lâu đời, như bến sông, bến đò, chợ, từ đó hình thành các TP, thị xã theo quy luật tự nhiên. Ngược lại, một số đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, quận, phường được con người thiết lập để phục vụ mục tiêu quản lý, mang tính nhân tạo nhiều hơn.
Khi một địa phương có tính cộng đồng và văn hóa cao, việc tổ chức HĐND sẽ phát huy hiệu quả, bởi đó là nơi người dân có sự gắn kết và ý thức tự quản cao. Ngược lại, ở những nơi thiếu sự liên kết văn hóa cộng đồng mạnh mẽ, mô hình này chủ yếu mang tính hành chính, nhằm bảo đảm quản lý nhà nước.
PGS.TS Tô Văn Hòa cũng cho rằng, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là định nghĩa rõ cấp chính quyền địa phương, xác định tên gọi ĐVHC (gọi là cấp cơ sở hay cấp xã), cũng như điều chỉnh nhận thức về hệ thống hành chính. Hiện nay, nhiều người vẫn quen với mô hình hành chính theo dạng “ô bàn cờ”, tức là xã nhỏ hơn huyện, huyện nhỏ hơn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế quản lý hiện đại đòi hỏi một cách tiếp cận linh hoạt hơn, như cấp cơ sở không chỉ gồm xã, mà còn có TP, thị xã, thậm chí có thể phân biệt ĐVHC cơ sở ở nông thôn và đô thị.
PGS.TS Tô Văn Hòa nêu ví dụ cụ thể như Hà Nội - dù là một đô thị lớn, nhưng vẫn có tỷ lệ đất nông nghiệp cao. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đã hình thành TP Thủ Đức như một đô thị độc lập. Vậy câu hỏi đặt ra là: 16 quận còn lại ở TP Hồ Chí Minh hay 12 quận ở TP Hà Nội có được xem là ĐVHC cơ sở không. “Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là nghệ thuật quản lý hành chính”, vị Phó Hiệu trưởng nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý một điểm quan trọng trong quá trình cải cách tổ chức bộ máy là việc giảm cấp trung gian (cấp huyện), hướng đến mô hình chính quyền hai cấp đồng bộ gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Bà Liên cho biết, khi sửa đổi Điều 110 Hiến pháp 2013, có quan điểm cho rằng chỉ nên duy trì hai cấp này, không đặt nặng tên gọi để bảo đảm sự linh hoạt trong việc điều chỉnh mô hình chính quyền đô thị, nông thôn và hải đảo.
Theo bà Liên, cấu trúc hành chính hiện nay có sự đa dạng. Cụ thể, trong một tỉnh có các TP, thị xã, huyện; trong một TP có quận, huyện, TP trực thuộc. Việc sắp xếp lại theo hướng gom các ĐVHC (như nhập 3, 4 phường thành một phường, nhập 4, 5 xã thành một xã) đặt ra nhiều thách thức trong quản lý. Có những xã ở Đắk Lắk có diện tích lớn hơn một tỉnh, trong khi một quận ở Hà Nội có dân số gấp ba lần tỉnh nhỏ.
“Vấn đề đặt ra là thiết lập bộ máy hành chính mới như thế nào để quản lý hiệu quả, cũng như phân quyền hợp lý giữa cấp tỉnh và cấp cơ sở”, bà Liên nêu và cho rằng, quá trình cải cách này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, vừa duy trì hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp: Không áp dụng cứng nhắc một mô hình cho tất cả các địa phương
GS.TS Hoàng Thế Liên.
Trong Hiến pháp 2013, việc tổ chức chính quyền địa phương đã được thiết kế theo hướng linh hoạt. Hiến pháp quy định nước ta chia thành tỉnh, tỉnh chia thành huyện, huyện chia thành xã và có các ĐVHC đặc biệt. Nơi nào được xác định là cấp chính quyền thì tổ chức đầy đủ gồm HĐND và UBND. Ngược lại, nơi nào không được xác định là cấp chính quyền thì chỉ có cơ quan hành chính, hoạt động như “cánh tay nối dài” của tỉnh.
Trên thực tế, Hiến pháp đã mở ra khả năng linh hoạt trong xác định cấp chính quyền. Nếu một đơn vị không được coi là cấp chính quyền, có thể tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính phù hợp. Như vậy, khi bàn về tổ chức chính quyền địa phương, cần xem xét cả yếu tố lịch sử, văn hóa, thực tiễn quản lý và không áp dụng cứng nhắc một mô hình cho tất cả các địa phương.
PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội: Tập trung vào những vấn đề liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương
PGS.TS Tô Văn Hòa.
Trước hết, chúng ta cần tập trung vào những vấn đề đặt ra liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là tổ chức chính quyền địa phương và tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Đây là những nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý để mang lại hiệu quả rõ rệt.
Hiến pháp năm 2013 từng đặt ra thuật ngữ “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để các tranh cãi về mô hình tổ chức. Việc quy định rằng “cấp chính quyền địa phương cũng chính là chính quyền địa phương” dẫn đến những cách hiểu khác nhau, ảnh hưởng đến thực thi. Do đó, trong lần sửa đổi Hiến pháp tới đây, nếu có sự đầu tư kỹ lưỡng thì chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc.
TS Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Bảo đảm vai trò của “ngôi nhà chung” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
TS Nguyễn Quỳnh Liên.
Theo Kết luận 126-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Công văn 43-CV/BCĐ về việc kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tới đây sẽ phải thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội và 30 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ được “đưa vào” hoặc “trực thuộc” MTTQVN. Hai khái niệm “đưa vào” và “trực thuộc” sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đề án tổ chức bộ máy của MTTQVN sau quá trình sắp xếp.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức lại 5 tổ chức chính trị - xã hội một cách hài hòa, vừa bảo đảm vai trò của “ngôi nhà chung” MTTQVN, vừa đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nhưng vẫn giữ được tính độc lập trong hoạt động. Các tổ chức này vẫn phải duy trì sự tồn tại, phát huy vai trò, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình theo tiến trình phát triển của đất nước. Vì vậy, khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đặc biệt tại Điều 9 và Điều 10, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để làm rõ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức này trong MTTQVN, đồng thời vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối theo điều lệ và pháp luật của các tổ chức này.
Một định hướng đang được cân nhắc là vẫn giữ nguyên tổ chức và hoạt động của các tổ chức theo điều lệ và pháp luật hiện hành, nhưng các bộ phận tham mưu, giúp việc sẽ dùng chung, tương tự như mô hình đã được thí điểm ở Quảng Ninh. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng mô hình này ở quy mô rộng hơn nhằm tinh gọn bộ máy, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động phối hợp hiệu quả trong “mái nhà chung” của Mặt trận, nhưng vẫn giữ được tính độc lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, thực hiện các nhiệm vụ vận động quần chúng.
M.P