Theo Dự thảo, trong trường hợp người có yêu cầu tập sự tự liên hệ với một tổ chức hành nghề công chứng về việc tập sự thì tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự cấp giấy xác nhận về việc nhận tập sự hoặc ký hợp đồng lao động với người có yêu cầu tập sự theo quy định của pháp luật về lao động.
Giấy xác nhận hoặc hợp đồng lao động phải ghi rõ tên của công chứng viên được cử hướng dẫn tập sự.
Trong trường hợp người có yêu cầu tập sự đề nghị Sở Tư pháp nơi người đó muốn tập sự bố trí tập sự thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị bố trí tập sự, Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, chỉ định một tổ chức hành nghề công chứng nhận người có yêu cầu tập sự và thông báo cho người đó bằng văn bản; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của Thông tư này.
Tổ chức hành nghề công chứng cấp giấy xác nhận về việc nhận tập sự hoặc ký hợp đồng lao động với người có yêu cầu tập sự theo quy định.
Để đảm bảo điều kiện cho việc tập sự, Dự thảo Thông tư quy định: Tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự phải có công chứng viên đáp ứng điều kiện hướng dẫn tập sự theo quy định của Luật Công chứng, có bàn làm việc, máy vi tính và các cơ sở vật chất cần thiết khác đảm bảo cho việc tập sự.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định người tập sự thay đổi nơi tập sự từ tổ chức hành nghề công chứng này sang tổ chức hành nghề công chứng khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo bằng văn bản về việc thay đổi đó cho Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Báo cáo phải có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn tập sự, xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng mà người tập sự đã tập sự và tổ chức hành nghề công chứng mà người tập sự xin chuyển đến.
Đặc biệt, trên tinh thần của Luật Công chứng mới được thông qua, Dự thảo đã dành một chương quy định về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Theo đó, người hoàn thành thời gian tập sự và các nghĩa vụ của người tập sự theo quy định của Luật Công chứng và Thông tư này thì được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Về nội dung kiểm tra bao gồm: Pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; kỹ năng hành nghề công chứng. Về hình thức kiểm tra, bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra vấn đáp. Việc kiểm tra được tổ chức ít nhất sáu tháng một lần. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập. Hội đồng kiểm tra được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư này.
Việc quy định chặt chẽ về điều kiện cũng như cụ thể các nội dung liên quan đến người có yêu cầu tập sự và nhận tập sự sẽ giúp Luật Công chứng mới được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.