Số vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%

(PLVN) - Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp.

Sáng nay, 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp.

Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tiếp tục tăng cao, nhất là hành vi đánh bạc qua mạng, mua bán, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân; số vụ được phát hiện 203,61%.

Tình hình tội phạm ma túy cũng tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68%; trong đó có một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Liên quan đến tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, theo báo cáo, Chính phủ đã chủ động rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng, cháy, chữa cháy tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, kiên quyết đình chỉ công trình, dự án vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, số vụ cháy tăng 10,87%, số vụ nổ giảm 30%, trong đó có một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Đánh giá chung, Chính phủ cho hay, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ.

Tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực và tổ chức công tác giám sát; và tăng cường nguồn lực xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Đọc thêm