Thảm án vì ghen tuông
Do ghen tuông và nghi ngờ vợ là chị Đinh Thị Ngọc Ngân (24 tuổi) có người tình mới nên Nguyễn Đăng Khoa (31 tuổi, ngụ xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) lên kế hoạch giết cả gia đình vợ.
Theo lời khai của Khoa tại CQĐT, Khoa và chị Ngân có tình cảm trai gái từ khi chị Ngân vẫn còn đang chung sống với chồng cũ. Sau khi vợ chồng chị Ngân ly hôn, Khoa cưới chị Ngân rồi sống chung với gia đình vợ tại xã Tam Hiệp và làm nghề mua bán thuốc thú y dạo.
Gần đây, cuộc sống hai người phát sinh nhiều mâu thuẫn nên chị Ngân đơn phương viết đơn xin ly hôn. Cho rằng chị Ngân có người tình mới nên sáng 13/8, Khoa ra tay sát hại 3 người gồm: chị Định Thị Ngọc Ngân (vợ của Khoa), bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (44 tuổi, mẹ vợ của Khoa) và bé Phan Ngọc Anh (5 tuổi - con riêng của chị Ngân). Đối với em vợ, Khoa bóp cổ Đinh Thị Ngọc Ánh đến ngất đi rồi dùng dây dù trói tay, chân.
Gây án xong, Khoa đã uống thuốc tự tử. Do thuốc không ngấm ngay, nên phải đến khi bị bắt, lấy xong lời khai tại cơ quan công an, Khoa mới phải nhập viện cấp cứu.
Vợ chồng cãi vã, con gái 7 tháng tuổi tử vong trên cùng vũng máu
Khoảng 4h rạng sáng nay (15/8), ông Trần Minh Thắng (40 tuổi, ngụ TP.HCM) cãi nhau với vợ là bà Trần Trúc Ly (32 tuổi) tại dãy phòng trọ thuộc ấp 3, xã La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai).
Nghe thấy tiếng ồn ào, bà Lê Thị Xinh - chủ nhà trọ tới can ngăn, khuyên giải. Tuy nhiên, do bên trong phòng khóa cửa, không thể vào được nên bà Xinh gọi điện báo công an tới can thiệp.
Phá cửa vào bên trong, Công an phát hiện 2 vợ chồng ông Thắng và con gái 7 tháng tuổi đã tử vong trên vũng máu.
Ông Thắng cùng vợ thuê phòng trọ được gần nửa năm nay và làm nghề buôn bán trái cây.
Đối tượng nghiện ma túy cầm súng CKC bắn chết vợ chồng giám đốc lương thực
Cũng trong buổi sáng nay (15/8), vào khoảng 6h45 sáng, tại nhà riêng của ông Vụ xảy ra một tiếng nổ lớn. Sau đó, người dân chạy tới thì phát hiện vợ ông Vụ tử vong trước cửa nhà còn ông Vụ thì tử vong trong nhà.
Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, hung thủ được xác định là Phạm Quang Sỏi (54 tuổi, trú tại phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là đối tượng hình sự, nghiện ma túy, đã được Công an tỉnh lập hồ sơ theo dõi trước đây.
Qua trích xuất camera của gia đình cho thấy, Sỏi cầm khẩu súng CKC vào gõ cửa gia đình ông Vụ. Khi vợ ông Vụ ra mở cửa, đối tượng này đã bắn vào đầu vợ ông Vụ khiến nạn nhân gục tại chỗ, sau đó chạy tiếp vào nhà bắn gục ông Vụ, rồi tự sát.
Chỉ trong 3 ngày liên tiếp, 3 vụ thảm án đã xảy ra khiến dư luận bàng hoàng và cảm thấy bất an. |
Vì sao ngày càng có nhiều vụ thảm án xảy ra?
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, cũng đã có nhiều quan điểm, ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo Thiếu tướng Tiến, thảm án có 3 dạng chính. Thứ nhất, để giết người, cướp tài sản (thường khi bị lộ sẽ sát hại cả gia đình nạn nhân); thứ hai, giết người do mâu thuẫn; thứ ba là gây án do bệnh tật, ngáo đá.
Nói về giải pháp hạn chế để xảy ra các thảm án, Cục trưởng Cục CSHS cho rằng, sẽ rất khó để đưa ra một giải pháp chung cho nhiều vụ việc, nhưng có lẽ chính quyền cần nắm bắt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, mâu thuẫn trong hàng xóm láng giềng, mâu thuẫn trong phân chia thừa kế, mâu thuẫn vợ chồng… Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục ý thức pháp luật bởi rất nhiều người ngộ nhận, thiếu hiểu biết về pháp luật và việc chấp hành pháp luật.
Ngoài ra, việc quản lý người bị bệnh tật, người tâm thần, người nghiện cần chặt chẽ hơn. Người tâm thần sống trong gia đình có nguy cơ gây hậu hoạ rất lớn, phải có giải pháp cách ly. Người nghiện ma tuý cũng cần phải được cách ly khỏi xã hội, bởi khi họ bị ảo giác thì chẳng khác nào bị tâm thần. Nghiện mà chung sống trong cộng đồng thì khi lên cơn bố mẹ họ cũng giết.
Còn Đại tá, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân trả lời cơ quan thông tấn báo chí cho rằng những vụ thảm án xảy ra thời gian qua cần được cắt nghĩa dưới nhiều góc độ, trước hết là những mâu thuẫn, xung đột thường xảy ra từ những va chạm hàng ngày trong sinh hoạt, công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm. Khi những xung đột tích tụ, dồn nén lâu ngày gặp những điều kiện bất lợi rất dễ dẫn đến những hành vi nguy hiểm, khó kiểm soát.
Việc xã hội lo lắng, cảm thấy bất an là điều tất yếu. Một vụ án xảy ra thu hút dư luận xã hội rất lớn, chưa kể lại là những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, mỗi năm, trung bình số vụ phạm pháp hình sự vào khoảng 50.000-65.000 vụ, tăng giảm mỗi năm khác nhau, nhưng không nhiều nên chưa có căn cứ để cho rằng số vụ án hình sự gia tăng hàng năm.
Tuy nhiên, số vụ gây án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong những năm gần đây cho thấy tính chất hoạt động của tội phạm đang trở nên rất nghiêm trọng. Phải nhấn mạnh rằng, những sự việc, vụ án nghiêm trọng này gây bức xúc trong dư luận, nhưng nó không phải là hiện tượng xã hội mang tính phổ biến. Không vì số vụ án nghiêm trọng gia tăng thời gian qua mà nhận định xã hội là bất an. Bởi còn rất nhiều lĩnh vực khác vẫn đang hoạt động bình thường, việc đảm bảo bình yên cho cuộc sống của người dân của các cơ quan, tổ chức vẫn diễn ra bình thường. Những vụ án mà dư luận coi là chấn động xã hội, vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia, kể cả ở những quốc gia có nền văn minh phát triển.