Sóc Trăng định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sóc Trăng định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Tận dụng tiềm năng văn hóa – lễ hội phát triển du lịch

Đến với Sóc Trăng ngoài phong cảnh đẹp của miền sông nước, du khách còn cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa độc đáo thể hiện qua đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ lời ăn tiếng nói cho đến cách ăn, nếp ở, tín ngưỡng, lễ hội đa dân tộc đã tạo nên nét riêng của du lịch Sóc Trăng. Với lợi thế đó, Sóc Trăng lấy văn hóa - lễ hội là trọng tâm trong phát triển du lịch.

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh góp phần phát triển du lịch tâm linh – Ảnh Phi Thuyền.

Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh góp phần phát triển du lịch tâm linh – Ảnh Phi Thuyền.

Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết, “tỉnh Sóc Trăng phấn đấu trở thành một trong những Trung tâm du lịch về lễ hội của khu vực ĐBSCL có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Lấy loại hình du lịch văn hóa - lễ hội làm cơ sở, nền tảng cho phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ du lịch khác. Tỉnh tập trung khai thác các cơ sở thờ tự, tôn giáo tín ngưỡng 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Đồng thời, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để phục vụ du khách tham quan.”

Đồng thời, địa phương sẽ xây dựng các giá trị tâm linh riêng biệt của các chùa chiền, di tích tại Sóc Trăng thông qua việc thu thập, biên tập, truyền thuyết hóa các câu chuyện tâm linh… Bên cạnh đó, phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian phù hợp, linh hoạt tổ chức trong khuôn viên chùa. Nâng tầm lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia. Tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đua ghe Ngo trải nghiệm theo định kỳ để phục vụ khách du lịch.

Sóc Trăng có nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm nét đặc sắc Kinh – Hoa – Khmer để thu hút và giữ chân du khách - Ảnh Phi Thuyền.

Sóc Trăng có nhiều loại hình nghệ thuật mang đậm nét đặc sắc Kinh – Hoa – Khmer để thu hút và giữ chân du khách - Ảnh Phi Thuyền.

Sóc Trăng xây dựng các đội hình dịch vụ biểu diễn nghệ thuật văn hóa đặc trưng như: đờn ca tài tử, nghệ thuật sân khấu Dù Kê, nghệ thuật sân khấu Rô băm, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, Nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong của người Khmer, nhạc Tùa Lầu Cấu của người Hoa… hướng đến việc thu hút và giữ chân du khách về đêm. Qua đó, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất Sóc Trăng đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai phát triển điểm du lịch Tân Huê Viên với quy mô xứng tầm một sản phẩm du lịch tâm linh chủ lực của tỉnh và cả vùng ĐBSCL. Sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên. Đồng thời, tôn tạo, nâng cấp chùa Bốn Mặt, chùa Chăm Pa, các lễ hội dân gian truyền thống kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng xã Phú Tân, xã Phú Tâm… để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm về văn hóa đặc sắc của cộng đồng Khmer.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

So với các địa phương trong khu vực, du lịch Sóc Trăng vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Do đó, để hiện thực hóa tiềm năng du lịch cũng như tháo gỡ những khó khăn cần có các đánh giá, nhận định và giải pháp có tính khoa học và thực tiễn cho phát triển du lịch nói chung và đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Sóc Trăng nói riêng.

Theo ông Đâu, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đa phần quy mô nhỏ, mang tính tự phát, chưa mạnh dạn đầu tư, chất lượng dịch vụ chưa cao. Các sản phẩm du lịch đặc thù ít và chưa phong phú, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng. Hệ thống cơ sở lưu trú còn ít, thiếu các nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn đặc sản của các dân tộc, khu nghỉ dưỡng cao cấp…Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng còn hạn chế.

Du lịch sông nước miệt vườn ngày càng thu hút nhiều khách du lịch mỗi khi đến Sóc Trăng - Ảnh Phi Thuyền.

Du lịch sông nước miệt vườn ngày càng thu hút nhiều khách du lịch mỗi khi đến Sóc Trăng - Ảnh Phi Thuyền.

Trước thực trạng đó, các địa phương có địa bàn trọng điểm phát triển du lịch thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để xây dựng bảo vệ hình ảnh, uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Sóc Trăng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch với TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong đó, chú trọng thu hút khách du lịch tâm linh; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe.

“Đồng thời, cần xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch, cụ thể hóa thành các kế hoạch hàng năm, các chương trình xuyên suốt. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho các địa bàn du lịch trọng điểm, các sản phẩm du lịch chủ lực. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác du lịch, về công tác quản lý ngành; các kiến thức, kỹ năng hỗ trợ chuyên ngành;đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”, ông Đâu nhấn mạnh.

Trong vòng 03 năm (từ năm 2020 đến năm 2022), lượng khách đến tỉnh đã tăng 2,8 lần, từ 993.100 lượt khách (năm 2020) lên 2,8 triệu lượt khách (năm 2022); doanh thu du lịch tăng 3,5 lần, từ 424 tỷ (năm 2020) lên 1.484 tỷ (năm 2022), đóng góp của ngành du lịch vào GRDP khoảng 2,2 %. Trong quý I năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh là 708.817 lượt đạt 31% kế hoạch năm, tăng 217% so quý I năm 2022 (223.651 lượt Tổng doanh thu từ du lịch đạt 382 tỷ 800 triệu đồng đạt 38% kế hoạch năm, tăng 150,5% so quý I năm 2022 (152 tỷ đồng).


Đọc thêm