25 bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt với mức án từ 2 đến 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Thế Thắng (SN 1959) và Nguyễn Văn Xem (SN 1960) nguyên là giám đốc và phó giám đốc Ngân hàng VDB Sóc Trăng lãnh mức án lần lược là 7 năm và 6 năm tù. Còn các bị cáo Lê Hồng Phong (nguyên trưởng Phòng hỗ trợ kinh doanh Sacombank Sóc Trăng), Trương Văn Hùng (chuyên viên khách hàng Sacombank Sóc Trăng), Lê Mạnh Hùng (nguyên trưởng bộ phận quản lý tín dụng Sacombank Sóc Trăng) lãnh mức án nhẹ nhất 2 năm tù giam.
Chiếm đoạt hàng trăm tỷ của ngân hàng
Theo cáo trạng của VKSND, trong quá trình kinh doanh (chỉ từ năm 2008 đến cuối tháng 9/2012), Công ty Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Thay vì khai báo tình hình thực tế công ty thu lỗ, Lâm Ngọc Khuân (chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty Phương Nam) cùng Lâm Ngọc Hân (phó giám đốc) đã chỉ đạo Phượng và Mẫn thực hiện 19 báo cáo tài chính khống cho thấy công ty kinh doanh có lãi gần 41 tỷ đồng.
Đồng thời, nâng khống lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỷ đồng lên trên 747 tỷ đồng để thế chấp vay vốn và chiếm đoạt số tiền 784,8 tỷ đồng của 5 ngân hàng (LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và ABbank Bạc Liêu).
Với số tiền vay được, Khuân dùng vào các mục đích tư lợi cá nhân như: Xây dựng “toà lâu đài” riêng cho gia đình tại khóm 2, phường 7, TP. Sóc Trăng; mua căn hộ ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM; Khuân còn chỉ đạo Hân và Mẫn lấy hàng trăm triệu đồng của công ty chi trả cho đơn vị bán căn hộ.
Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 1/2008 đến cuối tháng 9/2011, Lâm Ngọc Hân và Lâm Minh Mẫn còn giúp Khuân chi tạm ứng hơn 71 tỉ đồng bằng 176 chứng từ (đã hoàn ứng hơn 65 tỉ đồng, bằng 158 chứng từ) để Khuân có tiền đi nước ngoài, tiếp khách…
Tại phiên toà, theo HĐXX, có 8 ngân hàng quan hệ tín dụng với doanh nghiệp Phương Nam. Trong đó, tổng số tiền mà Công ty Phương Nam vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng.
Điều đáng nói là Công ty Phương Nam chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ đồng. Số còn lại hơn 10.198 tỷ đồng được doanh nghiệp này sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đảo nợ và trả lãi vay cho các ngân hàng.
Doanh nghiệp nợ “khủng”, vẫn được vay
Cáo trạng còn cho biết, đến khi Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ nặng, Khuân đã cùng gia đình “cao chạy, xa bay” ra nước ngoài để mặc món nợ khổng lồ. Hiện hai cha con Khuân và Hân đang bị cơ quan chức năng truy nã.
Về phía ngân hàng, một số cán bộ ngân hàng như: Đỗ Hùng Sở (giám đốc Ngân hàng LPB Hậu Giang) đã ký 5 hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng (trong đó có 3 hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng tín dụng chưa hoàn tất) với Công ty Phương Nam, nhưng không chỉ đạo cán bộ cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản của công ty này đem thế chấp; không chỉ đạo kiểm tra thực tế hàng tồn kho của công ty… Từ đó gây thiệt hại gần 259 tỷ đồng…
Ngoài ra, dù biết Công ty Phương Nam sử dụng vốn sai mục đích, nhưng Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng) vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân cho vay để Khuân chiếm đoạt nợ gốc gần 147 tỷ đồng.
Còn Nguyễn Văn Sơn (nguyên giám đốc ABBank Bạc Liêu), biết rõ công ty Phương Nam còn nợ trên 42 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán, nhưng vẫn chỉ đạo tiếp tục cho công ty này giải ngân hơn 83 tỷ đồng để công ty trả nợ cũ. Được biết, ngân hàng bị chiếm đoạt nhiều nhất là ngân hàng VDB Sóc Trăng với số tiền lên đến 343 tỷ đồng.
Theo HĐXX, do cha con ông Khuân hiện đang bỏ trốn, ngoài việc lãnh án tù, Mẫn và Phượng mỗi người còn bị toà buộc bồi thường cho các ngân hàng trên 392 tỷ đồng. Đối với số tài sản trên 40 tỷ đồng có được từ bán hàng tồn kho tại Công ty Phương Nam, HĐXX tuyên LPB Hậu Giang nhận trên 11,3 tỷ, VDB Sóc Trăng 14,8 tỷ, Sacombank Sóc Trăng 6,4 tỷ, ABbank Bạc Liêu 3,6 tỷ và Vietcombank Sóc Trăng 4,4 tỷ.