Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 ước tăng 3,7%
Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 năm 2022 của các cơ quan của QH, Đoàn đại biểu QH, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu…
Cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng… Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước đáng lưu ý còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai…
Ban Dân nguyện kiến nghị Đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, cơ quan thuộc UBTVQH quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023.
Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; quan tâm, đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh báo cáo cụ thể về tình trạng rút BHXH một lần. |
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo công tác dân nguyện tháng 11, đặc biệt là liên quan tới tình trạng rút BHXH một lần.
Cụ thể, ông Chu Mạnh Sinh cho biết, qua số liệu giải quyết BHXH một lần giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có trên 4 triệu người được giải quyết hưởng BHXH một lần, chưa tính số lượng người lao động do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giải quyết. Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người hưởng BHXH một lần ước năm 2022 là 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy mức tăng không phải bất thường nhưng trong thời gian tới, Nhà nước cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để tăng thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đồng thời, khi đề xuất sửa Luật BHXH cần có những chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Cần bổ sung một số vấn đề "nóng"
Thảo luận về Báo cáo dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề cập đến việc nhận BHXH một lần. Theo bà, trong các báo cáo hàng năm, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các chế độ BHXH và quản lý, sử dụng quỹ BHXH, trong đó đều có nội dung về vấn đề này. Năm 2022, Ủy ban đã có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách BHXH trong giai đoạn 2016-2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, số lượng người hưởng BHXH một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này. Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần quan tâm hơn nữa vấn đề này khi xem xét sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương điều hành thảo luận và kết luận nội dung phiên họp. |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì đề nghị bổ sung mảng của doanh nghiệp vào trong Báo cáo vì tháng 10 và tháng 11, tình hình thiếu vốn, thị trường thiếu thanh khoản là vấn đề doanh nghiệp đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xử lý giải quyết. Theo ông, nếu kéo dài tình trạng này, một số doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nêu rõ, về cơ bản, UBTVQH nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 của QH. Qua thảo luận, Phó Chủ tịch QH nêu rõ cần bổ sung những nội dung trong Báo cáo dân nguyện về tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn, room tín dụng hạn chế, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang khó khăn; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn này. Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị, vấn đề thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trong điều kiện sắp Tết Nguyên đán cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ đúng đối tượng…
Liên quan tới việc sửa đổi Luật Đất đai, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nêu rõ, trong tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tránh việc đề cao, tô hồng quá mức lợi ích, nhất là giá đất sau khi được sửa nhằm định hướng tâm lý, tư tưởng của người dân cho phù hợp. Đồng thời, cần có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất cấp huyện, cấp tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.