Sớm dứt cảnh ’thả nổi’ thi hành án hành chính

 Nói về thực trạng THAHC, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng công tác quản lý nhà nước về THAHC trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, không có cơ quan nhà nước nào theo dõi, thống kê, báo cáo.  Để giải quyết vấn đề này, đề nghị cần quy định giao cho một cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THAHC

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, giao Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về thi hành án hành chính (THAHC) là phù hợp và khả thi hơn cả.

Lo chính quyền không “phục tùng”

Dự án Luật tố tụng hành chính mới nhất được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 35 vừa qua giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về THAHC.

Có thực tế, án hành chính rất khó thi hành, do những phụ thuộc của chấp hành viên, cơ quan THA vào chính quyền địa phương (UBND – pv), dẫn đến tình trạng nhiều bản án hành chính có hiệu lực không được thi hành. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: Giao Bộ Tư pháp quản lý thì có “chỉ đạo, đôn đốc” được UB (ví dụ UBND cấp tỉnh là người phải THA-PV) hay không? Nếu “ông UB” không tự nguyện THA thì làm thế nào, ông Thuận lo ngại giao Bộ Tư pháp là “vượt tầm”.

Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng cũng phân tích: Theo quy định, trong 5 ngày nếu người phải THA (ví dụ UBND) không thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu phải thi hành. Nếu không sẽ báo cáo lên cấp trên. “Tôi không rõ chấp hành viên cấp huyện yêu cầu Chủ tịch tỉnh làm, Chủ tịch tỉnh không làm lại báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, như thế có được không?” - ông Vượng băn khoăn.

Còn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khác: Ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND đang giữ vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo THADS, nếu UB là bên phải THA lại đồng thời giữ “chân” Ban chỉ đạo sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Giao Bộ Tư pháp là khả thi

Nói về thực trạng THAHC, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng công tác quản lý nhà nước về THAHC trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, không có cơ quan nhà nước nào theo dõi, thống kê, báo cáo.  Để giải quyết vấn đề này, đề nghị cần quy định giao cho một cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THAHC.

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì thực tiễn 14 năm qua thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho đến nay không có cơ quan nào giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC, nên việc theo dõi, thống kê, báo cáo,… về tình hình THAHC trong phạm vi cả nước gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích: Luật THADS đã giao cho Bộ Tư pháp gúp Chính phủ quản lý nhà nước về THADS; phần dân sự trong bản án hành chính đã giao cho cơ quan THADS thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thi hành. Vì vậy, dự thảo Luật quy định cơ quan THADS thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ đôn đốc người phải THAHC là phù hợp.

Lý giải thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định: Nếu Quốc hội giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý THADS thì rất thuận lợi. Hiện, ngành Tư pháp có hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện; đã được kiện toàn tổ chức, bộ máy, trang thiết bị làm việc theo Luật THADS, nên chắc chắn sẽ đủ “lực” để đảm đương công việc mới. “Tập trung một đầu mối trong quản lý THA cũng là phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị” - Thứ trưởng Tụng nói thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng tình cao: Giao Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ không làm “phình” thêm bộ máy, có chăng chỉ là nhóm nhỏ.

Trước ý kiến lo ngại Bộ có “chỉ đạo” được UB, bà Ba kiên quyết: Bản án có hiệu lực phải thi hành bất kể đó là ai, tổ chức nào; nếu không thi hành, cơ quan THA sẽ áp dụng biện pháp mạnh để dứt điểm.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án hành chính;

b) Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý thi hành án hành chính. Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hành chính;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý thi hành án hành chính;

đ) Báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án hành chính;

e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công tác thi hành án hành chính.

(khoản 2 Điều 244 dự thảo Luật tố tụng hành chính)

Bình An

Đọc thêm