Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ô tô “sạch” lưu hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay có khoảng trên 4,4 triệu ô tô đang lưu hành trên cả nước nhưng hiện còn thiếu các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải ô tô đang lưu hành; đặc biệt thiếu cơ chế khuyến khích sự chuyển dịch sang các loại ô tô thân thiện với môi trường.
Cơ chế, chính sách cho thị trường xe điện ở Việt Nam vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Cơ chế, chính sách cho thị trường xe điện ở Việt Nam vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Cấp bách xây dựng tiêu chuẩn phát thải nhà kính của xe điện

Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đã nhấn mạnh việc nhanh chóng thực hiện một số giải pháp cấp bách, bao gồm việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV/2021. Thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Quy định hiện hành giới hạn xác định tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện ô tô đang lưu hành là TCVN 6438:2018 Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành, là hết sức cấp thiết. Đặc biệt là những quy định giới hạn cho các chất gây ô nhiễm như Cacbonmonoxit (CO), Hydrocacbon (HC), khói khí thải…

Bên cạnh đó, mặc dù xe điện được coi là một giải pháp giao thông sạch nhưng thị trường xe điện ở Việt Nam mới ở ngưỡng sơ khai so với xu hướng dùng xe điện đang “nở rộ” trên toàn cầu. Một trong những cái thiếu khiến thị trường xe điện Việt Nam khó thể “cất cánh” cũng chính là do chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện đảm bảo thân thiện với môi trường theo đúng nghĩa.

Một rào cản lớn của xe điện tại Việt Nam gián tiếp phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do quá trình sạc điện cho hệ thống pin của xe lấy nguồn từ lưới điện của các nhà máy điện có sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu, khí). Theo phân tích của Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, trong khi đó, các nguồn điện khác từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,…) còn nhiều hạn chế như giá thành cao, vận hành không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và cần có nguồn dự phòng. Do vậy, việc xây dựng các tiêu chuẩn về phát thải nhà kính của xe điện lưu hành trên đường phố cũng là một nhiệm vụ cấp thiết nhưng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Thị trường ô tô điện còn nhiều “điểm nghẽn”

Không chỉ việc chưa có những quy định rõ ràng về giới hạn lượng khí thải, xu hướng chuyển dịch sang ô tô điện – một giải pháp được cho là thân thiện với môi trường hơn vẫn gặp vô vàn trở ngại. Rõ thấy nhất là chưa có một hệ thống chính sách phát triển đồng bộ từ pin cho xe điện đến hạ tầng, mạng lưới trạm sạc, giá thành…

Xây dựng Quy chuẩn về khí thải ô tô đang lưu hành là nhiệm vụ cấp thiết để hướng tới giao thông sạch.

Xây dựng Quy chuẩn về khí thải ô tô đang lưu hành là nhiệm vụ cấp thiết để hướng tới giao thông sạch.

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ đã thừa nhận các dòng xe điện hoá chưa phổ biến ở Việt Nam và hiện chưa có chính sách cho xe điện đúng nghĩa. Vinfast là công ty cho ra mắt các dòng xe điện đầu tiên ở Việt Nam trong nhiều năm nay. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, thị trường xe điện đa phần được nhập khẩu từ các hãng xe quốc tế như Honda, Toyota, Mitsubishi…

Bởi chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có, giá xe điện vẫn ở ngưỡng cao hơn so với xe xăng. Chưa kể, theo giới chuyên gia, thực trạng hạ tầng giao thông nước ta mới khả thi cho phát triển dòng xe Hybrid (ô tô chạy bằng xăng kết hợp điện). Đơn cử, theo thống kê, năm 2020, số lượng xe sử dụng tiết kiệm năng lượng được nhập khẩu, phân phối bán ra trên thị trường trên dưới 1.000 xe, gồm chủ yếu xe Hybrid, Hybrid sạc ngoài chiếm 99%, xe điện đúng nghĩa chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhìn chung, thị trường xe điện nước ta vẫn còn sơ khai và còn nhiều “điểm nghẽn”. Theo các chuyên gia, về lâu dài cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính và cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện, các chính sách phi tài chính khác.

Ngoài cơ chế ưu đãi tốt cần đi kèm với việc bảo đảm xe điện thực sự “sạch” trong suốt vòng đời sản phẩm. Tức là, từ việc khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào hệ thống trạm sạc tích hợp năng lượng tái tạo để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, đến việc quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý pin để đảm bảo phát thải khí nhà kính của toàn bộ vòng đời xe điện thấp hơn xe chạy nhiên liệu hoá thạch. Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần có cả những cơ chế ưu đãi để phát triển cả nền công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện;…

Có như vậy, Việt Nam mới có thể thu hút và hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường trong nước giúp nước ta không bị “tụt lại phía sau” trong việc phát triển loại xe ô tô thân thiện với môi trường, đủ năng lực cạnh tranh với các dòng xe điện nhập khẩu, tạo tiền đề để thực hiện mục tiêu giao thông “0” phát thải carbon trong tương lai.

Đọc thêm