Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là quốc gia có nhiều cơ hội cho phát triển điện khí LNG, Quy hoạch điện VIII cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 chuyển đổi điện than sang điện khí LNG. Tuy nhiên để hiện thực hóa mục tiêu này nhiều thách thức cần sớm được hóa giải…
Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh DĐDN)
Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh DĐDN)

Nhiều dự án đang gặp khó

Thông tin tại Diễn đàn Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch (QHĐ) VIII do Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức mới đây cho thấy, QHĐ VIII đặt mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045.

Đây là mục tiêu rất thách thức khi các nỗ lực phát triển điện khi LNG đang gặp khó khăn.

Theo chuyên gia Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban chỉ đạo dự án điện quốc gia, tại Việt Nam, phát triển điện khí LNG theo QHĐ VIII trong giai đoạn 2030, các nhà máy điện thuộc chuỗi điện khí Cá Voi Xanh lô B là nguồn điện chính cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia ở khu vực miền Trung và miền Nam; ở miền Bắc bổ sung 4 dự án LNG với tổng công suất khoảng 6.000 MW để chạy nền và đảm bảo truyền tải đường dây 500kW. Danh mục nhà máy điện khí lô B gồm các cụm nhà máy Ô Môn với công suất hơn 3.100 MW.

Nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án điện khí LNG

Nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án điện khí LNG

Theo đánh giá đến cuối năm 2026 có dòng khí đầu tiên nhưng hiện đang có một số vướng mắc cần tháo gỡ để có quyết định đầu tư, trong đó, các hợp đồng mua bán điện đang trong quá trình đàm phán.

Với chuỗi dự án sử dụng khí Cá Voi Xanh gồm nhà máy Dung Quất 1, Dung Quất 2, Dung Quất 3; miền Trung 1, miền Trung 2 với tổng công suất 3.750 KW, hiện nay tiến độ đang chậm và khả năng cuối năm 2028 có dòng khí đầu tiên.

Đối với 11 dự án LNG nhập khẩu với tổng công suất 17.900 MW theo QHĐVII điều chỉnh và 8 nhà máy theo QHĐVIII bổ sung, hiện nay danh mục tiến độ các nguồn điện quan trọng, có 3 dự án nhà máy điện khí là Nhơn Trạch 3,4, Hiệp Phước giai đoạn 1 sẽ phát điện trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng thực tế đang gặp khó.

Ngoài vướng mắc chung thường thấy trong các dự án, theo chuyên gia Lã Hồng Kỳ,các dự án điện khí có những vướng mắc đặc thù riêng.

Thứ nhất, đảm bảo triển khai tiến độ đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư cho dự án và chuỗi dự án (bao gồm các dự án thành phần trong chuỗi như phát triển mỏ khí tự nhiên, nhập khẩu khí, vận chuyển, bồn chứa…).

Kết quả dự án thành phần phụ thuộc nhiều yếu tố, có lường trước có thể gây e ngại cho các nhà đầu tư (NĐT). Thời gian thực hiện dự án dài gồm nhiều chủ đầu tư trong và nước ngoài, chịu điều chỉnh của nhiều luật liên quan… khó lường trước vướng mắc.

Thứ hai, đảm bảo lợi ích các bên tham gia đầu tư. Việc phân bổ khí, trong đó có cả phân bổ khối lượng khí cho đầu dự án của các nhà máy điện hạ nguồn, trách nhiệm tìm nguồn nhiên liệu khí thay thế của các nhà máy hạ nguồn khi mỏ khí vào giai đoạn suy giảm.

Sản phẩm cuối của chuỗi dự án thường là điện thương phẩm bán cho các hộ tiêu thụ thể hiện qua giá bán điện, cần có cơ chế đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.

Thứ ba, về cơ chế chính sách. Hiện kế hoạch thực hiện QHĐ VIII chưa được phê duyệt ảnh hưởng đến việc đôn đốc, theo dõi tiến độ thi công xây dựng đối với truyền tải… Các khung giá phát điện gặp khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Thứ tư, đàm phán tiêu thụ mua bán khí LNG, hiện giá cao cần có chính sách chuyển ngang toàn diện từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, chưa giải quyết vấn đề mấu chốt trong khung pháp lý nên ảnh hưởng đến các dự án.

“Để dự án khí triển khai đúng tiến độ, ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp, cần có cơ chế chính sách giải quyết khó khăn trên, đòi hỏi quyết tâm cao của Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách và tham vấn của nhà khoa học, doanh nghiệp (DN)” – chuyên gia nhấn mạnh.

Cần sớm có giải pháp…

Khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội cho phát triển điện khí LNG, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành...

Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện phải nhập khẩu hoàn toàn khí hóa lỏng, giá nhiên liệu này chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại biến động thất thường. “Thách thức đặt ra là cần xây dựng cơ chế giá phù hợp vừa thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu vừa đảm bảo không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện…”- ông Phòng đề nghị.

Các ý kiến đề xuất cần gỡ nút thắt cơ chế chính sách cho dự án điện khí LNG

Các ý kiến đề xuất cần gỡ nút thắt cơ chế chính sách cho dự án điện khí LNG

PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định: Khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế.

Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.

Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc…

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong ngành cùng với các DN, NĐT đã đưa ra các ý kiến và giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo QHĐ VIII.

Theo đó, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong QHĐ VIII. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu Công nghiệp/nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG.

Đây cũng là chính sách giúp thu hút và khuyến khích các NĐT các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG. Thêm vào đó, chúng ta cần có thêm các chính sách kích cầu về điện, kích thích sản xuất và kích thích tiêu dùng song song với khuyến khích tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, cần sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan. Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.

Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG; lựa chọn được các NĐT có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai…

“Chúng ta đang bước vào tháng cuối năm 2023. Từ nay đến mốc 2030 để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra QHĐ VIII không còn nhiều. Để các dự án khí hóa lỏng triển khai kịp tiến độ rất cần sự chung tay các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trên…”- đại diện VCCI nhấn mạnh.

Đọc thêm