Có thể thấy, các hoạt động công chứng, chứng thực tại các địa phương trên cả nước đã đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu công chứng, chứng thực của cá nhân, tổ chức; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực từng bước được nâng cao; hoạt động công chứng đã được xã hội hóa mạnh mẽ với việc phát triển thêm nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Trong giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế, đặc biệt đối với tài sản là quyền sử dụng đất được công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên hoạt động công chứng vẫn còn nhiều bất cập cần sớm được quan tâm, tháo gỡ. Theo phản ánh của nhiều địa phương, hiện vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn nên việc cập nhật các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của các tài sản và biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến giao dịch, hợp đồng đã được công chứng… còn khó khăn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 62 Luật Công chứng năm 2014 thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành quy chế này nên khó khăn trong việc khai thác sử dụng vì việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như quy chế còn liên quan đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ thông tin…
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các tổ chức hành nghề công chứng với chính quyền địa phương cấp xã, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ngân hàng và các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa được thường xuyên, chặt chẽ dẫn đến những sai sót không đáng có; thể chế về công chứng chưa đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành đã tạo ra những “lỗ hổng” cần lấp đầy trong quản lý nhà nước về công chứng.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng, công chứng viên và ý nghĩa của việc ban hành chính sách phát triển nghề công chứng. Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến việc công chứng, văn bản, đặc biệt văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho đội ngũ Công chứng viên, cũng như tăng cường công tác giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công chứng là việc nên làm thường xuyên và cần thiết để nâng cao trình độ nghiệp vụ chung cho Công chứng viên. Do đó, cần sớm rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ Công chứng viên để có giải pháp tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan công chứng và có chính sách đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Công chứng viên theo hướng chuyên nghiệp. Ngoài ra, cần đánh giá kịp thời hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức hoạt động công chứng, chứng thực. Xác định rõ thẩm quyền và phân cấp quản lý, làm rõ trách nhiệm của ngành, cấp đối với lĩnh vực công chứng.