Sớm xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức tình hình thi hành pháp luật giai đoạn 2025 – 2030”

(PLVN) - Ngày 10/4, tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ chương trình hợp tác về tư pháp và pháp luật năm 2024, Bộ Tư pháp và Dự án Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), hợp phần UNDP tổ chức Hội thảo “Triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm triển khai các nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL); chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác theo dõi tình hình THPL ở Trung ương và địa phương. Thông qua Hội thảo, các cán bộ làm thực tiễn có thể nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo dõi tình hình THPL. Từ đó, họ sẽ góp phần thực hiện tốt việc xem xét, đánh giá thực trạng THPL, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư phápÔng Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Theo dõi tình hình THPL là hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong một quy trình logic khép kín thực hiện vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Trong hoạt động theo dõi tình hình THPL, các cơ quan Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt. Tuy nhiên, đây cũng là công việc phức tạp về tính chất, rộng về phạm vi và nặng nề về khối lượng và gặp không ít khó khăn. Cụ thể là hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa rõ nét; phản ứng chính sách thông qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi tình hình THPL vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được hệ thống kết nối thông tin giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương...

Ông Nguyễn Quốc Hoàn đưa ra một số giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, gồm việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức và theo dõi tình hình THPL. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lý luận đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến tổ chức THPL và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế theo dõi tình hình THPL. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình theo dõi tình hình THPL, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp...

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, tổ chức THPL hiệu quả là vấn đề quan trọng của bất kỳ một quốc gia nào. Để giải quyết những tồn tại trên thực tiễn, cần nghiên cứu, sớm xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”. Đây sẽ là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm tạo tiền đề pháp lý hóa, tạo cơ sở pháp lý cơ bản vững chắc để phát huy hiệu lực, hiệu quả tổ chức và theo dõi THPL đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới..

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, công tác theo dõi tình hình THPL cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình THPL được quan tâm và đẩy mạnh đã có tác động tích cực; hoạt động tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình THPL được Bộ Tư pháp chú trọng. Đặc biệt là tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác theo dõi tình hình THPL được tổ chức thường xuyên và tạo hiệu ứng tốt, các cán bộ làm công tác theo dõi tình hình THPL có dịp trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và các kinh nghiệm hoạt động theo dõi THPL.

Thông qua công tác theo dõi tình hình THPL, cơ quan chức năng đã phát hiện những bất cập, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Đọc thêm