Thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC về việc “Phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự” (THADS) thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng án tuyên không rõ khó thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để.
TANDTC cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo TAND các cấp xem xét, xác định, xử lý và khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành. Các TAND đã tích cực phối hợp với Cơ quan THADS, VKSND cùng cấp rà soát và giải quyết kiến nghị của cơ quan thi hành án đối với các bản án, quyết định nêu trên. Số lượng các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành theo kiến nghị của cơ quan THADS trong thời gian gần đây đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Đặc biệt, đã có nhiều TAND tỉnh, thành phố không còn bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TANDTC cũng chỉ rõ: công tác xem xét, xác định và xử lý, khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành của các Tòa án vẫn còn nhiều hạn chế; như: số lượng các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành vẫn còn nhiều; trong đó còn nhiều trường hợp cơ quan thi hành án có công văn kiến nghị đã lâu nhưng chưa được giải quyết; việc giải thích, đính chính bản án của Tòa án trong một số vụ án còn chưa phù hợp với nội dung vụ việc; nhiều đơn vị chưa coi việc rà soát kiến nghị của cơ quan thi hành án để xử lý, khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành là nhiệm vụ thường xuyên mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu của TANDTC; chế độ báo cáo thống kê về các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2016...
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện có hiệu quả Quy chế số 14/2013 và Thông tư liên tịch số 06/2016, bằng Chỉ thị 05/CT-CA, Chánh án TANDTC đã yêu cầu Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra TANDTC, Chánh án TAND cấp cao, Chánh án TAND cấp tỉnh mở đợt cao điểm rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cơ quan thi hành án cho rằng bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành đến nay chưa được giải quyết; Thường xuyên chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc rà soát, xem xét và xử lý, khắc phục đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; đặc biệt là các trường hợp đã hết hoặc sắp hết thời hạn để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đối với các TAND cấp cao, TANDTC yêu cầu: Rà soát, giải quyết các trường hợp: có công văn của cơ quan THADS, của các TAND địa phương đề nghị giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan THADS cho rằng việc giải thích, đính chính bản án là chưa phù hợp với nội dung vụ việc, chưa đúng với bản án; hoặc các trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị Cơ quan THADS và VKSND cấp tỉnh (khu vực địa hạt xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền) báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với VKSNDTC và TANDTC xem xét, thống nhất hướng giải quyết.
Các TAND cấp tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm của đơn vị mình và các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý chủ động phối hợp thường xuyên với cơ quan THADS cùng cấp rà soát, đối chiếu các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để sớm xử lý, khắc phục; Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan THADS cho rằng việc giải thích, đính chính bản án là chưa phù hợp với nội dung vụ việc, chưa đúng với bản án; hoặc các trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị Cơ quan THADS và VKSND cùng cấp báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với VKSNDTC và TANDTC xem xét, thống nhất hướng giải quyết.
Các TAND cấp cao, các TAND cấp tỉnh, các TAND cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc 14 giải pháp do TANDTC xây dựng tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện nâng cao chất lượng xét xử theo Kết luận số 92/KL/TW của Bộ Chính trị để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong việc bảo đảm chất lượng của bản án, quyết định được ban hành; quy định cụ thể việc xem xét trách nhiệm của Thẩm phán trong việc để xảy ra tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ dẫn đến việc khó thi hành.