Song hành cùng hành trình “tái sinh” rác thải

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong bối cảnh đô thị hóa và tình trạng bùng nổ dân số gia tăng thì rác thải đã trở thành một vấn đề môi trường vô cùng nghiêm trọng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thấu hiểu được mối đe dọa này, ngày càng có nhiều người tham gia vào cuộc hành trình “tái sinh” rác thải vì một tương lai bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ các nhà khoa học Việt…

Lâu nay, rác thải đã trở thành vấn đề toàn cầu và trở nên cấp bách khi số lượng rác thải trên thế giới ngày một nhiều và gia tăng với tốc độ chóng mặt. Mỗi ngày, cả thế giới thải ra hơn 3,5 triệu tấn rác. Đây là một con số khá lớn và theo các nhà khoa học môi trường, con số này sẽ tăng gấp nhiều lần trong thời gian tới. Theo ước tính, vào cuối thế kỷ 21, lượng rác được thải ra mỗi ngày có thể lên đến 11 triệu tấn. Những con số đáng lo ngại đó là thách thức lớn, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của cư dân toàn cầu.

Tuy nhiên, rác thải không hoàn toàn xấu, nếu như con người biết cách tận dụng thì vòng đời của rác thải sẽ không còn “ngắn ngủi”. Đối với nhiều nước trên thế giới, rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá khi có thể tái chế thành nhiều sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, hàng chục ngàn tấn rác vẫn được thải ra môi trường mỗi ngày, dù biết giá trị rất lớn của chúng.

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải.

Nhưng không phải toàn bộ rác thải tại Việt Nam đều bị bỏ đi một cách phí phạm và gây hại cho môi trường. Ở thời điểm hiện tại, nhiều người đã dần thấu hiểu được giá trị và mối đe doạ mà rác thải mang lại cho con người ở cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Vì vậy, ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện và duy trì thói quen phân loại, tái chế rác thải, từ đó kéo dài vòng đời sử dụng của chúng.

Nhất là phải kể đến sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học với những sáng chế về tái chế rác thải. Một trong số đó chính là sáng chế biến rác thải thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng của tác giả Trần Kim Quy (86 tuổi, từng là giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM). Ông và cộng sự đã đạt giải nhất cuộc thi Sáng chế năm 2018 với sáng chế về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt.

Điểm đặc biệt ở sáng chế này, tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh phân lập tuyển chọn từ trong đất.

Được biết, để có được thành công trên, Giáo sư Quy đã dành gần 20 năm nghiên cứu tìm ra những vi sinh vật có ích để xử lý rác và xây dựng quy trình sản xuất phân vi sinh. Từ những năm 2004, ông đã tìm cách giải bài toán này để có thể tận dụng tài nguyên từ rác. Đến năm 2012 ông đã tìm ra vi sinh vật giúp phân hủy rác và xây dựng quy trình tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng, được các hội đồng khoa học nghiệm thu.

Theo Giáo sư Quy, khác với các công nghệ hiện có, giải pháp của ông rác không cần phân loại từ đầu nguồn. Theo quy trình, khi rác tập kết về cơ sở sản xuất được phun vi sinh vật khử mùi và sau đó cho chạy trên băng tải. Người ngồi đầu băng tải nhặt những chai lọ, lon. Tiếp đến sẽ có người chuyên lấy các chất dẻo là nilon để tái chế nhựa sản xuất mặt bàn composite. Những chất trơ được sử dụng làm gạch block không nung lát đường. Rác hữu cơ sẽ được phun các chế phẩm có chứa vi sinh vật, phân giải sinh học để làm phân vi sinh. Với quy trình này, hầu hết rác thải rắn đều được tái chế ra những thành phẩm khác nhau.

Tính đến nay, giải pháp của Giáo sư Quy đã được thực hiện ở nhiều nơi trên cả nước. Không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải, sáng chế của ông còn giúp bà con nông dân mua được phân tốt để dùng, bởi phân vi sinh do Giáo sư Quy tạo ra có tỷ lệ vi sinh cao, tác dụng tốt cho cây trồng và tạo mùn cho đất mà giá rẻ chỉ bằng một nửa so với giá phân vi sinh đang bán trên thị trường.

Ngoài Giáo sư Quy, vẫn còn rất nhiều nhà khoa học Việt biến rác thải thành những sản phẩm có ích cho con người như: vật liệu xây dựng, khí biogas đốt phát điện, gốm sứ, sợi polyester… Hơn cả, những sáng chế này đều được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, khi vừa giải quyết được vấn đề rác thải lại vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cho đến hành động mỗi người

Tại Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, một trong những rác thải phổ biến nhất phải kể đến nhựa. Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Một điều nguy hiểm của loại rác thải này chính bởi thời gian tiêu hủy của nó, phải mất đến 450 năm để nhựa được phân hủy hoàn toàn.

Là 1 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn, nước ta đã có rất nhiều chương trình, hành động để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân. Giải pháp được người dân đưa ra là cần nghĩ cách “kéo dài sự sống” cho đồ nhựa, biến chúng thành những vật dụng hữu ích trong đời sống hàng ngày, thay vì ném vào thùng rác sau một lần sử dụng, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm. Cũng từ đó không chỉ những nhà khoa học mà mỗi người dân đều có thể giải quyết vấn đề rác thải theo cách riêng của mình.

Chị Xuân Hoa (52 tuổi, Hải Phòng), nổi tiếng là người phụ nữ “phù phép” cho những vỏ chai nhựa tưởng chừng vô giá trị thành những tác phẩm vừa nghệ thuật vừa có thể sử dụng trong nhà. Những tác phẩm của chị đều được chị tỉ mỉ làm thủ công cắt, dán từng vỏ chai, lọ nhựa để tạo thành những món đồ hữu dụng và mang dáng vẻ xinh đẹp không kém đồ mới.

Đèn trang trí được chị Xuân Hoa tái chế từ chai nước khoáng.

Đèn trang trí được chị Xuân Hoa tái chế từ chai nước khoáng.

Đươc biết, chị Hoa đã “bén duyên” với nghề từ 5 năm trước, ban đầu chị làm đồ handmade từ chai thủy tinh, sau đó, chị phát hiện chai nhựa có hình dáng phong phú lại cắt, uốn theo ý tưởng của mình. Hơn nữa, chai nhựa là vật liệu khó phân hủy, nên chị lựa chọn chai nhựa để chế tác.

Chị Hoa chia sẻ: “Hàng ngày, chứng kiến lượng rác thải nhựa đổ môi trường không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Bởi thế, tôi luôn ấp ủ ý tưởng tái chế lại những đồ nhựa nhằm lan tỏa tinh thần sống xanh đến nhiều người hơn”. Bằng những hành động rất nhỏ chị Hoa bắt đầu lan tỏa niềm yêu thích với đồ tái chế đến những người xung quanh. Chị còn hướng dẫn nhiều người thử sức và tài khéo tay để làm ra những vật dụng hữu ích từ thứ bỏ đi.

Tương tự, những vật dụng bị bỏ đi, nằm lăn lóc bên đường nhưng qua bàn tay khéo léo của ông Minh Phú (63 tuổi, Hà Nội) chúng đã biến hoá khôn lường, không những trở nên hữu ích mà còn đẹp – độc – lạ. Với thú chơi cây cảnh nhiều năm của mình, ông Phú đã nảy ra ý tưởng biến các vật dụng bỏ đi thành những chậu cây xinh xắn.

Nghĩ là làm, gần 5 năm nay, sáng nào ông Phú cũng đi tập thể dục, tiện thể thu gom rác thải về nhà. Hàng ngày, thời gian rảnh ông đều “đắm chìm” vào công việc sáng tạo chậu cây của mình. Bình nhựa to ông làm chậu to, chai nước nhỏ ông làm chậu nhỏ. Bên cạnh việc tạo dáng ông còn trang trí màu sắc, hình vẽ cho chậu cây của mình. Đặc biệt dưới chậu cây nào cũng đều có chữ ký và ngày tháng được “tái sinh” ông ghi lại.

Cứ thế, đã rất lâu rồi ông không còn đi mua chậu cây ở ngoài nữa mà đều sử dụng những chậu cây đẹp – độc – lạ của riêng mình. “Hồi mới đầu tôi cứ tha chai, bình về nhà là vợ và con tôi bực lắm, toàn đem vứt đi. Tôi phải nói mãi mấy mẹ con mới hiểu rằng với người không biết sử dụng thì đây chỉ là rác nhưng với tôi nó là một vật có giá trị sau khi được tái chế”, ông Phú tâm tình.

Không chỉ có người lớn mà giờ đây các em nhỏ cũng cùng tham gia cuộc hành trình “tái sinh” rác thải. Tại nhiều trường học, những phong trào thi đua, ngày hội tái chế rác thải diễn ra sôi nổi. Từ phế liệu tưởng chừng bỏ đi như chai nhựa, vỏ lon…, các em học sinh đã tái chế thành những lọ hoa, kệ đựng sách, bóng đèn trong lớp học. Không những vậy, các em còn thu gom rác thải trong trường để làm phân hữu cơ, vừa bón cho cây xanh, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ai cũng biết rằng tái chế rác thải là một phương pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề được đặt ra cho môi trường. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy đề cao việc tái chế rác thải và cùng lan tỏa thông điệp này ra cộng đồng, để ngày càng có nhiều người tham gia vào hành trình viết nên cuộc đời mới đầy ý nghĩa cho rác thải.

Đọc thêm