Bộ y tế tìm giải pháp khắc phục bất cập trong đấu thầu thuốc

(PLO) - Bộ Y tế đang soạn thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 quy định về việc đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế công lập, và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thiện Thông tư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Công tác đấu thầu thuốc là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế nhằm đảm bảo việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng tốt để phục vụ công tác điều trị bệnh cho nhân dân, nhưng đồng thời phải đảm bảo có giá hợp lý để tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho người bệnh, cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, Thông tư mới sẽ khắc phục cơ bản được các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc và ngành Y tế hoàn thành được nhiệm vụ đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc có chất lượng tốt với giá hợp lý để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.

So sánh những điểm mới của Dự thảo Thông tư so với Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016, ông Nguyễn Tất Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược đại diện cho Ban soạn thảo cho biết: Điểm mới nổi bật trong việc sửa đổi tại Thông tư mới này là việc xác định các tiêu chí kỹ thuật của các nhóm thuốc tại Điều 5. Chương II về phân chia gói thầu, nhóm thuốc. Bao gồm: gói thầu thuốc generic; gói thầu thuốc biệt dược gốc và tương đương điều trị; gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; gói thầu dược liệu; gói thầu vị thuốc cổ truyền.

Mỗi gói thầu thuốc đều có tiêu chí cụ thể đối với các nhóm thuốc. Cụ thể, tại gói thầu thuốc generic xác định các tiêu chí kỹ thuật chi tiết, rõ ràng với việc mỗi danh mục thuốc generic được phân chia thành 5 nhóm thuốc. Nhà thầu có thuốc đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của nhóm nào thì được dự thầu vào nhóm đó.

Nhưng, các nhóm thuốc trên đều phải đáp ứng các tiêu chí: phải có nguồn gốc, nguồn cung cấp nguyên liệu rõ ràng; có cùng công thức bào chế; quy trình sản xuất phải giám sát được tiêu chuẩn chất lượng đối với cả sản phẩm thuốc của nước ngoài hay do Việt Nam sản xuất. 

Đặc biệt, các tiêu chí đưa ra một mặt đảm bảo chất lượng thuốc cao nhất, một mặt nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước tham gia vào đáp ứng các tiêu chí đối với nhóm thuốc generic chất lượng tốt nhất theo đúng chủ trương do Chính phủ đề ra trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược liệu quốc gia.

Cùng với đó, hiện nay, dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp để ban soạn thảo hoàn chỉnh Thông tư. Trong đó, ông Trần Đức Chính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam đề nghị: “Ban soạn thảo cần xác định chi tiết, rõ ràng quy định ghi dạng bào chế đối với gói thầu generic vì mỗi một dạng bào chế là một kỹ thuật khác nhau,...”.

Một số ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư đề xuất bỏ vắc xin ra khỏi đối tượng phạm vi điều chỉnh vì đặc thù cung ứng vắc xin khi có dịch bệnh xảy ra, đề nghị xác định rõ hơn tiêu chí kỹ thuật thành phẩm thuốc khi tham gia vào đấu thầu các gói thuốc đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia,...

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Thông tư lần này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định: “Thuốc đã được đấu thầu đưa vào bệnh viện thì phải là thuốc tốt. Các cơ sở y tế cần đặt ưu tiên trong mọi trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc cao nhất (nhóm thuốc generic) và chỉ khi nào nhóm thuốc generic không có thì mới sử dụng nhóm thuốc thấp hơn. Điều này nhằm để đảm bảo nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong điều trị khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dân”.  

Đọc thêm