Chuyên gia dinh dưỡng khuyên chế độ ăn đối với người bệnh dịp Tết

(PLVN) - Theo thói quen, bữa ăn ngày Tết của mỗi nhà người Việt thường nhiều chất béo, chất đạm động vật, nhiều muối, nhiều đường… Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, dư chất không bao giờ tốt. Mỗi người có thể trạng khác nhau cần có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo vui xuân an toàn, khỏe mạnh.
Các bác sĩ đang tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tại BV Ung Bướu TP HCM
Các bác sĩ đang tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tại BV Ung Bướu TP HCM

Người tiểu đường phải ăn kèm rau xanh

Chúng ta có thể điểm sơ qua một số món ăn truyền thống thường có trong bữa ăn ngày Xuân như: Bánh chưng, bánh tét, nem, chả giò thủ, giò mỡ, thịt heo ngâm nước mắm, thịt kho hột vịt, hành dưa muối, kiệu muối... Ngoài ra còn có các loại bánh mứt, kẹo và  nước ngọt, bia rượu. Có thể thấy các món ăn trên có quá nhiều chất béo, đạm động vật, nhiều muối, nhiều đường. Trong khi đó, bữa ăn lại ít rau, thiếu chất xơ, vitamin và các chất khoáng. Đặc biệt, trong ngày Tết người dân thường uống ít nước, ít ăn các loại ngũ cốc. Bên cạnh đó, đặc điểm vui chơi ngày Tết cũng khiến bữa ăn thiếu sự điều độ. 

Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM đặc biệt lưu ý, đối với những người mắc một số bệnh lý cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Cụ thể, với những người bị đái tháo đường dùng không quá 1 khoanh bánh tét mỏng hoặc 1 miếng bánh chưng nhỏ trong một bữa ăn. Do bánh chưng, bánh tét có chỉ số đường huyết cao, nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tình trạng rối loạn đường huyết. Bên cạnh đó, các loại bánh mứt, kẹo có chứa hàng lượng cao, rất ít chất sơ nên không thích hợp với những người bị tiểu đường. 

Đối với bệnh nhân mà đường huyết kiểm soát tốt có thể dùng vài miếng, còn những người kiểm soát kém tốt nhất không nên sử dụng. Trong bữa ăn, người bị đáo tháo đường nên ăn kèm với các loại rau xanh, như rau cải, rau muống, bông cải xanh, trắng… và cố gắng đảm bảo theo giờ nhất định. Tránh bỏ bữa, không ăn quá nhiều hoặc quá ít so với ngày thường.

Bác sĩ Diệp cho hay, trái cây vốn là loại thực phẩm tốt, chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp cân bằng thức ăn giàu chất béo, đạm trong những ngày Tết. Tuy nhiên, nhiều loại trái cây chứa hàm lượng đường cao, vì vậy ăn trái cây cũng phải hợp lý. Ví dụ, không nên dùng quá 2 quả táo hoặc 2 quả cam hoặc 2 góc dưa hấu/ngày. Đối với loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần.

Nước ngọt có thể dùng loại cho người ăn kiêng, nhưng không nên quá 1lon/ngày. Tốt nhất có thể thay bằng vài tách trà thơm sẽ có lợi cho sức khỏe.

“Kẻ thù” của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt, cũng như trong da của các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn gây xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ. Bên cạnh đó, những món như hành muối, củ kiệu, dưa món chứa hàm lượng muối cao không thích hợp với các bệnh nhân tăng huyết áp. Chỉ nên ăn số lượng ít và nên dùng các loại giấm bằng giấm đường để giảm hàm lượng muối.

“Những người bị bệnh lý về thận, tim mạch, bệnh gan nên hạn chế tối đa ăn các loại dưa muối, nem chua, lạp xưởng, đậu phộng rang muối, các loại khô (khô mực, tôm khô…) vì có nhiều muối ảnh hưởng đến chức năng của tim gan thận”, Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp lưu ý. 

Người bị bệnh gút nên ăn những gì?

Đối với người bệnh bị gút, BS CKI Trần Văn Chức, Phó giám đốc Phòng khám đa khoa Viện Gút chia sẻ: “Nhiều người cho rằng ăn nhiều thịt cá, uống nhiều rượu bia là nguyên nhân gây bệnh gút, tuy nhiên thông tin trên chưa chính xác. Các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 80 gen di truyền có liên quan đến tình trạng tăng acid uric máu, trong đó đã xác định chắc chắn hơn 40 gen gây tăng acid uric máu”. 

BS Chức khuyến cáo: “Ăn nhiều thịt cá, uống nhiều rượu bia không phải là nguyên nhân cốt lõi gây bệnh gút nhưng là yếu tố làm trầm trọng tình trạng tăng acid uric máu và bệnh gút ở những người bị các gen trên. Do đó những người đang bị bệnh gút hoặc đã bị tăng acid uric máu dù chưa bị bệnh gút cũng cần hạn chế ăn nhiều thịt, cá và uống rượu bia, kể cả trong ngày thường cũng như ngày tết. Đối với những người chưa bị bệnh gút nhưng trong dịp tết ăn quá nhiều thịt cá, uống nhiều rượu bia cũng không nên quá lo lắng. Dù vậy, sau tết, mọi người cũng nên đi xét nghiệm nồng độ acid uric máu vì đây là thời điểm thuận lợi để phát hiện mình có thuộc đối tượng nguy cơ bị bệnh gút hay không”.

Lưu ý đối với bệnh nhân ung thư

Theo ThS - BS CKII Trần Thị Anh Tường, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Ung Bướu TP HCM bệnh nhân ung thư thường không có cảm giác đói, không cảm thấy ngon miệng, thường từ chối ăn khi đến bữa hoặc ăn uống qua loa. Đây là một tình trạng rất thường gặp ngay từ khi chẩn đoán bệnh ung thư, đang hoá trị hay xạ trị, kéo dài nếu bệnh ung thư không trị khỏi và tình trạng bệnh ngày càng nặng dần. 

Ngoài ra, do một số tác dụng phụ của các mô thức điều trị đặc trị như hoá trị, xạ trị, bệnh nhân khó tránh khỏi các triệu chứng nôn, buồn nôn, mất vị giác, khô miệng, lở loét niêm mạc miệng, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu… ảnh hưởng đến chuyện ăn uống, tiêu hoá và hấp thu của bệnh nhân. Điều này làm cho bệnh nhân sụt cân, giảm chất lượng sống và thể chất. Thậm chí có bệnh nhân bị trì hoãn hay ngưng điều trị vì thiếu máu, thiếu bạch cầu hay yếu sức, nhiễm trùng...

Do đó, chế độ ăn và dinh dưỡng ngày Tết của bệnh nhân ung thư cần một số lưu ý: Không nên ăn no cho mỗi bữa ăn, vì sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và dễ bị nôn ói. Nên chia ra ăn nhiều bữa nhỏ, ăn lai rai suốt cả ngày. Không ăn và uống cùng lúc vì sẽ làm mau no. 

Bệnh nhân cần hạn chế chọn các món chiên, nướng, món có nhiều dầu mỡ vì sẽ làm khó tiêu, và no lâu, nên chọn món luộc, hấp, hầm dễ tiêu hơn. Không ăn các món ngâm chua làm không rõ nguồn gốc và thời gian chế biến vì nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nhiều hơn so với người bình thường. Không ăn thức ăn cũ, chế biến đã quá 2 giờ để ở nhiệt độ phòng, ăn ngay sau khi chế biến hay hâm lại khi mới lấy từ tủ đông ra

Những bệnh nhân hoá trị có nguy cơ giảm bạch cầu hay đã từng giảm bạch cầu không được ăn rau sống, xà lách. Đối với trái cây phải ăn ngay sau khi gọt vỏ, uống nước, nước đá phải rõ nguồn gốc, sạch sẽ. Nên ăn nhiều các loại hạt như: hạt bí, hạt điều, đậu phộng, hạt macca, hạnh nhân óc chó… có nhiều năng lượng, chất béo tốt cho sức khoẻ, chất đạm và chất chống oxy hoá. 

Đặc biệt, hạn chế tối đa thức ăn thức uống ngọt, có nhiều đường, các loại thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, chả lụa, khô nai, khô bò, khô cá…  Nên bổ sung rau củ quả, nhiều loại, nhiều màu sắc trong thực đơn để có được nhiều vitamin, chất chống lão hoá, chất xơ và chất chống ung thư. Ngoài ra, nên vận động thể dục 30 phút cho mỗi ngày để cải thiện tâm trạng, kích thích ngon miệng và khoẻ mạnh hơn. 

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên người dân nên mua những đơn vị đóng gói nhỏ tùy theo quy mô gia đình. Bảo quản thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã nấu chín kỹ đúng cách. Nên sử dụng hết thực phẩm trong ngày. Đối với những gia đình không chế biến, cần nhận diện thực phẩm có nguy cơ thiếu an toàn như màu sắc quá sặc sỡ. Lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. 

Đọc thêm