Đầu tư y tế: Công - tư phải phân minh

(PLVN) - Hoạt động của mạng lưới y tế hiện đang có nhiều vấn đề khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm. Là một người  làm việc lâu năm trong lĩnh vực pháp luật và cũng là một nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế, Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ đã đưa ra những lời khuyên hữu ích, với mong muốn thiết lập một trật tự mới nhằm giảm bớt những phiền toái mà người dân lâu nay vẫn đang phải hứng chịu.
Đầu tư y tế: Công - tư phải phân minh

 Nhập nhèm công - tư

Theo Luật sư Phạm Văn Học: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hệ thống BV công lập đang đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) công tác khám chữa bệnh.

Về ưu điểm:  Khi BV mở ra các dịch vụ như mổ tự nguyện, phòng điều trị tự nguyện, khám tự nguyện.. đời sống cán bộ nhân viên BV được cải thiện đáng kể; Người bệnh, nhất là những người có thu nhập cao có thêm sự lựa chọn, phần lớn họ đều hài lòng vì nếu chọn dịch vụ tự nguyện thì chất lượng phục vụ sẽ tốt hơn; Nhiều loại máy, thiết bị y tế có giá trị chẩn đoán cao như: Hệ thống chụp MRI, chụp CT đa dãy... được đầu tư dưới dạng liên doanh...

Tuy nhiên, XHH y tế mà chúng ta đang làm hiện nay là một mô hình mà thực chất trong đó hệ thống y tư nhân nằm ngay trong BV công. Nhà nước đưa ra hệ thống này để tư nhân đầu tư dưới hình thức liên doanh, liên kết, hoặc BV huy động vốn từ tư nhân, nhờ đó BV có máy móc thiết bị. Nhưng hình thức này không nên kéo dài vì sẽ để lại nhiều mặt trái và hậu quả xấu.

Luật sư Phạm Văn Học phân tích: Hạn chế đầu tiên là giá dịch vụ tự nguyện khá cao, làm tăng gánh nặng tài chính với người bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay thì để hình thành lên giá dịch vụ y tế gồm 7 yếu tố đó là:

Thuốc; Vật tư tiêu hao; Duy tư sửa chữa nhỏ; Mua sắm tài sản cố định; Khấu hao tài sản cố định; Lương nhân viên; Đào tạo nghiên cứu khoa học.

Theo quy định của Bộ chủ quản các yếu tố 1, 2, 3 do người bệnh chi trả còn các yếu tố từ 4 đến 7 do ngân sách Nhà nước bao cấp. Tuy nhiên trong mô hình XHH hiện nay đang có sự lẫn lộn vì tất cả những người đang làm XHH (Y sĩ, bác sĩ - BS, kỹ thuật viên...) đều là người của BV và Nhà nước đã trả lương. Các tài sản để sử dụng vào việc XHH, như đất, nhà... đều của BV và nó được hình thành bởi ngân sách Nhà nước nhưng khi đưa vào XHH thì người bệnh vẫn phải chi trả và như vậy là người bệnh ngân sách đều phải chi cho một dịch vụ y tế.

Hạn chế thứ hai là đầu tư XHH trong y tế công sẽ kéo theo lạm dụng chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm, vì phải làm như vậy mới có thể nhanh thu hồi vốn đầu tư, tăng lợi nhuận.... Mức độ lạm dụng phụ thuộc vào cái tâm và cách quản lý của từng giám đốc BV, tuy nhiên dù ở mức độ nào thì cuối cùng đều dẫn đến hậu quả là lãng phí tiền bạc, tài sản của người bệnh và xã hội.

Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương.
 Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương.

Thứ ba, khi có 2 chế độ công và tư trong cùng một BV sẽ gây ra sự bất bình đẳng về mức độ phục vụ. Thực tế ở nhiều BV, nhất là tuyến tỉnh và trung ương, ở khu vực bình dân 2, 3 thậm chí 5 bệnh nhân một giường thì ở khu điều trị dịch vụ  mỗi bệnh nhân một phòng hoặc ít nhất là mỗi người một giường. Điều đáng nói ở đây là các phòng tự nguyên ấy có thể được xây bằng nguồn vốn liên doanh, đóng góp phi ngân sách nhưng nó lại được xây trên đất của BV công tức là đất của Nhà nước (nhiều BV tận dụng, khai thác luôn các phòng bệnh có sẵn của BV); Đội ngũ BS, nhân viên y tế đều là người thuộc biên chế Nhà nước và đương nhiên đã hưởng lương, được đào tạo  từ ngân sách Nhà nước...

Khi triển khai dịch vụ này không chỉ tạo ra bất công giữa BV công với BV tư mà tạo cả ra sự bất công giữa BV tuyến Trung ương với tuyến tỉnh và giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện, xã và người chịu thiệt nhất cuối cùng vẫn là người dân vì hiện nay đang có một xu hướng là BS có năng lực  không muốn làm việc ở tuyến xã, huyện vì ở đó không có  dịch vụ tự nguyện, dịch vụ kỹ thuật cao và đương nhiên ở đó thu nhập sẽ thấp hơn nhiều so với ở BV tuyến trên. Ngay trong mỗi  BV cũng đã tạo ra sự bất công và nảy sinh mâu thuẫn vì những người có cùng trình độ nhưng được phân công làm ở những vị trí không liên quan đến dịch vụ tự nguyện thì cũng bị xem thường và có thu nhập thấp hơn, từ đó sẽ dẫn đến việc chạy chọt, bợ đỡ...

Thứ tư, hiện nay trong xã hội chúng ta đang tồn tại nhiều thành phần kinh tế nhưng kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước luôn giữ tỷ trọng lớn. Trong khu vực kinh tế Nhà nước cũng đang tồn tại nhiều loại hình khác nhau, tính riêng khối kinh tế mang tính công ích chúng ta có hệ thống trường học công lập,  BV công lập, hệ thống các đơn vị làm công tác môi trường... Vậy nếu BV làm được XHH, lập phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị theo yêu cầu, chất lượng cao... để thu thêm tiền phí và dịch vụ của bệnh nhân thì trường học công lập cũng làm theo như vậy. Việc cho phép các BV làm dịch vụ ngay trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn và nguồn gốc của nó là tài sản Nhà nước nhưng lại được thu tiền và chi cho cá nhân ở các BV như hiện nay đã tạo ra một sự bất công  giữa các ngành nghề, dịch vụ trong khu vực kinh tế Nhà nước...

Cần có cơ chế cạnh tranh công bằng

Từ thực tế và phân tích trên, Luật sư Phạm Văn Học đề xuất những giải pháp sau:

Việc chuyển bệnh nhân giữa BV công và tư: Hiện nay nhiều BV tư nhân đã được đầu tư rất bài bản cả về con người, trình độ kỹ thuật và trang thiết bị. Với việc đầu tư như thế, nhiều BV tư nhân đã vượt lên về kỹ thuật so với một số BV công lập trong khu vực. VD: Một BV tư nhân trong khu vực đã áp dụng phẫu thuật nội soi, tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laze, phẫu thuật kết hợp xương gẫy... trong khi đó tại BVĐK huyện chưa làm được các kỹ thuật đó nhưng BV huyện lại không thể chuyển BN đến BV tư nhân được kể cả khi bệnh nhân mong muốn vì chưa có cơ chế. Khi gặp các trường hợp như vậy BV huyện chỉ có thể chuyển người bệnh đến BVĐK tỉnh, điều đó vừa gây ra tình trạng quá tải cho BV tuyến tỉnh vừa gây khó cho người bệnh vì BV tỉnh cách BV huyện thường là rất xa.

Một số trường hợp khác người bệnh được cấp cứu và điều trị tại các BV tuyến Trung ương sau khi ổn định các BV tuyến huyện hoặc BV tư nhân hoàn toàn có thể tiếp tục theo dõi, chăm sóc điều trị được nhưng hiện nay các BV Trung ương chỉ giới thiệu và chuyển bệnh nhân đến BV tỉnh, rất ít khi chuyển từ BV Trung ương về BV tư nhân nhưng trên thưc tế nhiều bệnh nhân đã tự lựa chọn về BV tư nhân, tuy nhiên trong các trường hợp đó họ sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi BHYT và nếu họ chấp nhận về BV tỉnh thì vừa quá tải vừa xa gây bất lợi, tốn kém cho người bệnh... Thêm vào đó, việc chuyển tuyến từ BV tư nhân đến BV công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng Bộ Y tế chưa  ban hành văn bản  quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Để khắc phục được tình trạng trên, theo Luật sư Phạm Văn Học, Bộ Y tế cần chủ trì rà soát lại toàn bộ hệ thống BV tư nhân để làm rõ thực trạng, năng lực của các BV ngoài công lập nhằm chứng minh những BV tư nhân đang hoạt động hiện nay xem BV nào làm được những việc gì, từ đó ra quyết định phân hạng 1,2,3, hạng đặc biệt giống như BV công lập hiện nay (Việc phân hạng phải do Bộ Y tế chủ trì và quyết định). Sau khi đã phân hạng được hệ thống BV ngoài công lập, Bộ Y tế cần ban hành những văn bản quy phạm quy định, hướng dẫn cụ thể việc chuyển  tuyến (bao gồm cả chuyển lên và chuyển xuống) giữa các BV công và bệnh viện tư, dựa trên nguyện vọng của người bệnh và năng lực chuyên môn của  các BV.

Về hỗ trợ, phối hợp chuyên môn: Hiện nay theo quy định BS đang làm việc trong BV công lập có thể ký hợp đồng để làm thêm, làm ngoài giờ hoặc hỗ trợ chuyên môn... cho BV tư nhân, muốn làm được việc đó BS phải có đơn và phải được giám đốc BV đồng ý, quy định như vậy là đúng nhưng còn thiếu. Do đó, Bộ Y tế cần quy định những điều kiện rõ ràng, cụ thể để phân biệt trường hợp nào được làm thêm và ngược lại vì hiện nay do chưa có quy định cụ thể nên việc đồng ý hay không thuộc quyền và đôi khi do cảm tính của giám đốc BV. Thực tế, nhiều BS đang làm việc ở BV công rất muốn và hoàn toàn có đủ điều kiện để làm thêm ở BV hoặc phòng khám tư nhưng giám đốc không ký đơn, không đồng ý nên không thể làm được và nếu có cố thì cũng là bất hợp pháp.

Hiện nay có nhiều BV tư nhân đã được trang bị khá tối tân, hiện đại, nếu có thêm sự hỗ trợ về chuyên môn sâu từ các BV công lập hoặc dân lập ở Trung ương thì rất nhiều bệnh nhân đã có thể được cấp cứu, điều trị, phẫu thuật kể cả những phẫu thuật khó, phức tạp ngay tại địa phương mà không phải chuyển đến các BV Trung ương vừa gây ra tình trạng quá tải, vừa tốn kém cho người bệnh. Để tháo gỡ nút thắt này cần có một cơ chế pháp lý theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. 

Theo người đứng đầu BVĐK Hùng Vương: Một vấn đề nữa cũng đáng phải lưu tâm đó là: Hiện nay BS BV công có thể ra làm ở BV tư còn BS ở BV tư thì không thể làm ở BV công. Trên thực tế trong hệ thống BV tư cũng có rất nhiều nhà khoa học, các BS có trình độ cao họ hoàn toàn có thể tăng cường, chi viện cho các BV công trong các tình huống phức tạp, khó khăn hoặc cấp cứu và điều này đặc biệt có ý nghĩa  ở các vùng sâu, vùng xa nơi mà y tế công lập còn nhiều hạn chế nhưng vì chưa có cơ chế nên BS BV tư không thể hoặc có đến BV công trong các tình huống nêu trên cũng là không hợp pháp. Vì lẽ đó Bộ Y tế cần quy định cụ thể và cho phép BS ở BV tư được làm việc tại BV công trong một số trường hợp cụ thể.

Đọc thêm