Dịch vụ làm đẹp da - đẹp thì ít, hoang mang thì nhiều

(PLO) - Đánh đúng vào tâm lý muốn có làn da đẹp của chị em phụ nữ, hiện nay các cơ sở làm đẹp liên tục mọc lên và quảng cáo các công nghệ chăm sóc da với hiệu quả thần kì. Tuy nhiên, không ít trường hợp vì tin vào quảng cáo mà nguy hại đến nhan sắc, thậm chí sức khoẻ và tính mạng.
Một spa giới thiệu về công nghệ làm đẹp hiệu quả “thần kì” của mình
Một spa giới thiệu về công nghệ làm đẹp hiệu quả “thần kì” của mình

Đếm không xuể công nghệ làm đẹp da

Mặc dù đã có không ít chuyện không hay xảy ra liên quan đến các dịch vụ làm đẹp kém chất lượng, thế nhưng không hiểu sao, các dịch vụ này vẫn tiếp tục phát triển rầm rộ, “hốt tiền” khách với những cam đoan “trên trời”, bất chấp hậu quả.

Mới đây, tại TPHCM, một phụ nữ đã bị biến chứng, có nguy cơ hoại tử mũi vì tiêm chất làm đầy. Thực tế, việc tiêm chất làm đầy (filler) thời gian vừa qua đã không ít ca gây biến chứng, huỷ hoại nhan sắc, có ca bị hoại tử vùng môi, có ca gò má sưng phồng đầy mủ...

Theo các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy, chất làm đầy có rất nhiều loại đang được quảng cáo trên thị trường, có hàng chất lượng và cả hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Cạnh đó, việc tiêm chất làm đầy vào cơ thể để làm đẹp đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ có chuyên môn, có kinh nghiệm, vì chỉ cần tiêm nhầm mạch máu, chất làm đầy tràn vào máu sẽ gây sưng, mưng mủ và thậm chí hoại tử. 

Nói là như thế, nhưng thực tế, hiện nay dịch vụ tiêm filler rất phổ biến trong làm đẹp và được thực hiện tràn lan, dưới nhiều tên gọi như “nâng cơ mặt”, “trẻ hoá da”, “tái tạo da”... Nhiều cơ sở thẩm mỹ không có chức năng phẫu thuật, không được thực hiện các thao tác can thiệp sâu, không có bác sĩ... nhưng vẫn quảng cáo rầm rộ và thực hiện thường xuyên trên cơ thể khách hàng.

Liên quan đến dịch vụ làm đẹp da, hiện nay có hàng ngàn cơ sở làm đẹp, spa chăm sóc sắc đẹp. Mỗi một cơ sở lại quảng cáo một “chiêu” để làm đẹp khác nhau với những tên gọi lạ tai như lăn kim, cấy phấn CV cover, meso, huyết tương PRP, làm đẹp chỉ vàng... Cơ sở nào cũng quảng cáo máy móc tối tân, kĩ thuật viên lành nghề hay những kết quả “như mơ”. Tuy nhiên, thực tế những phương pháp này đều chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt nếu cơ sở làm đẹp không chất lượng.

Như phương pháp cấy phấn CC Cover, ngoài cái tên nghe thật “kêu” rút cục cũng chỉ là một biến tấu của liệu pháp lăn kim đẩy nhanh tác dụng. Không ít chị em đã phải “ôm hận” vì mong muốn có làn da đẹp chọn cấy phấn, để rồi “nát da” khi kĩ thuật viên thiếu kinh nghiệm châm kim trên da, và nhiều cơ sở cũng “lờ” đi tác hại sau khi da bị công nghệ này làm cho tổn thương: Da mỏng hơn, ít sức đề kháng, dễ nổi mụn, dị ứng, dễ bị sạm và nám khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

Khi công nghệ cao được… làm dạo

Một công nghệ cải thiện da đòi hỏi kĩ thuật cao và phức tạp là công nghệ cấy huyết tương PRP. Với công nghệ này, máu sẽ được lấy ra tạo thành huyết tương sau đó cấy ngược lại vào cơ thể để tái tạo những tế bào tổn thương trên da. Sau khi lấy máu, máu được đưa vào một tiến trình để ly trích PRP trong phòng thí nghiệm. Tiếp theo bác sĩ phải tạo những vết chích nhỏ trên da để PRP thấm qua bằng các dụng cụ chuyên biệt như derma-roller hay derma-pen, và phải được thực hiện trong một môi trường vô khuẩn của ngoại khoa. Chỉ cần một sơ sẩy nhiễm trùng là người cấy sẽ “lãnh đủ”.

Tuy nhiên, một bác sĩ thuộc bệnh viện Da liễu TP.HCM đã chia sẻ, những thủ thuật đòi hỏi kĩ thuật chuyên môn và môi trường tương đương phòng phẫu thuật như thế, nhưng không hiểu sao hiện nay rất nhiều spa lớn nhỏ quảng cáo rầm rộ công nghệ làm đẹp bằng huyết tương này. Thậm chí, nhiều cơ sở làm đẹp còn chụp ảnh đi... cấy tận nơi tại khách sạn hay nhà của khách hàng (!). 

Bên cạnh các công nghệ làm đẹp vốn nổi tiếng, nhiều cơ sở làm đẹp còn tự nghĩ ra những “bí quyết” làm đẹp của riêng mình để thu hút khách hàng: cấy tinh chất, tế bào gốc, nâng da bằng liệu pháp đèn chiếu tái tạo...

Một spa có tên M.N nằm trên đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận quảng cáo rầm rộ một phương pháp làm đẹp da có tên “cải lão hoàn đồng”, theo đó, spa này dùng một công nghệ tối tân của Hàn Quốc là tiêm một tinh chất lên da, sau đó ủ da bằng rong biển và vàng 24k, rồi ủ da bằng công nghệ ủ lạnh... 

Trong vai người có nhu cầu làm đẹp, người viết đã liên hệ spa M.N và được nhân viên tư vấn ở đây cam kết da sẽ trẻ ra từ 5-10 tuổi sau khi sử dụng hết toàn bộ liệu trình với giá tầm hơn 15 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi công nghệ “nổi tiếng của Hàn Quốc” được quảng cáo có tên gọi tiếng Anh hoặc tên gọi quốc tế là gì để có thể kiểm tra bằng tiếng nước ngoài thì nhân viên spa này từ chối trả lời vì đây là “bí quyết gia truyền”(!).

Đó là còn chưa kể đến, nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay nhằm đem lại hiệu quả làm đẹp trước mắt để lấy niềm tin khách hàng đã sử dụng công nghệ như một cách che mắt, thực chất là sử dụng kem trộn có chất tẩy trắng mạnh. Kết quả là da khách hàng được cải thiện nhất thời gây nên cảm giác hiệu quả “ảo”, thế nhưng được một thời gian thì da bị tàn phá nghiêm trọng. Lúc này, cơ sở làm đẹp sẽ đổ lỗi cho khách hàng vì không biết chăm sóc da... để rũ bỏ trách nhiệm.

Thời buổi làm đẹp qua... internet, rất nhiều trung tâm làm đẹp có cơ sở vật chất kém, xập xệ, máy móc cũ kĩ nhưng nhờ quảng cáo mạnh trên mạng xã hội, vẫn thu hút được lượng khách hàng lớn. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù mọc lên liên tục, quảng cáo và thực hiện dịch vụ sai chức năng, nhưng hầu như chưa thấy cơ quan quản lý ra tay “dẹp loạn”, để người dân vẫn hoang mang giữa muôn vàn dịch vụ, mỗi cái quảng cáo một kiểu, nhưng hiệu quả hay hậu quả thì còn chưa rõ. 

Đọc thêm