Gia tăng số ca mắc tay chân miệng tại Đồng Nai và Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng hơn 1.500 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 1.200 ca so với cùng kỳ năm 2020.
Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai
Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai

Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng tăng cao trong mỗi tuần, riêng trong 3 tuần cuối tháng 3 toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 396 ca, trung bình mỗi tuần tăng 120 ca, chưa ghi nhận tử vong. 

Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng tăng cao, ngành y tế Đồng Nai đã tổ chức chiến dịch khử trùng tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện truyền thông, phát tờ rơi, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác phòng chống bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, để phòng bệnh hiệu quả đòi hỏi sự chung tay góp sức của cộng đồng, nhất là các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ, trường mầm non, mẫu giáo. 

Không chỉ riêng Đồng Nai, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam tính đến ngày 31/3/2021, khu vực miền Trung ghi nhận 1.564 ca mắc tay chân miệng, chưa có ca tử vong. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020) và số mắc đang cao thứ 3 khu vực miền Trung. Một số địa phương có số mắc cao như Điện Bàn (51), Duy Xuyên (39), Núi Thành (37), Thăng Bình (25), Tam Kỳ (24), Phú Ninh (19), Tiên Phước (18).

Đặc biệt, tại Quảng Nam đã ghi nhận một số ca bệnh tay chân miệng nặng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng cho trẻ nhỏ.

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10.

Mặt khác, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Do vậy, biện pháp chính vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã lót, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), rửa sạch đồ chơi, sàn nhà bằng Cloramin B hoặc nước Javel, cách ly trẻ bệnh trong vòng 7-10 ngày kể từ ngày khởi bệnh. 

Trước tình dịch dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế đã có khuyến cáo: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám.

Đọc thêm