'Giữ chân' bác sĩ bệnh viện công cách nào?

(PLO) - “Làn sóng” bác sĩ ở bệnh viện (BV) công xin nghỉ việc để chuyển ra làm tại BV tư đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế mới đây, nhiều BV ở các tỉnh phía Nam cho hay tình trạng “chảy máu chất xám” đang làm cho các BV công thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng...   
Một buổi tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế tại Cần Thơ
Một buổi tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế tại Cần Thơ

Vừa mất bác sĩ, vừa mất bệnh nhân

Đơn cử, trong năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã phải hoàn tất thủ tục cho 5 bác sĩ nghỉ việc, 1 bác sĩ chuyển công tác. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Quan trọng nhất vẫn là người dân hài lòng

“Việc “chảy máu chất xám” cũng là một trong những thực trạng của ngành Y tế. Tuy nhiên, dù “chảy máu chất xám” ra ngoài công lập hay trong công lập thì quan trọng nhất vẫn là việc người dân được hài lòng. Đồng thời sự chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao từ y tế công lập sang tư nhân là sự cạnh tranh lành mạnh, kích thích cho cả BV công và BV tư phát triển. Đặc biệt, các bệnh viện công lập cần thấy được vấn đề quản trị, nâng cao chất lượng, nếu không đổi mới thì sẽ không tồn tại được. Mục tiêu cuối cùng lợi ích lớn nhất là phải cho người dân”.

BV Đa khoa TW Cần Thơ với hơn 1.000 giường bệnh cũng không ngoại lệ. Lãnh đạo BV cho biết, hệ thống các BV tư nhân trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận được thành lập, có chế độ đãi ngộ tốt, dẫn đến một số trường hợp các bác sĩ của BV xin nghỉ việc. Trong đó, đa số là các bác sĩ có trình độ sau đại học và có tay nghề trong lĩnh vực chuyên môn phụ  trách như Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt.

Cách đây nhiều năm, UBND TP Cần Thơ đã thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ bác sĩ theo địa chỉ. Trước khi học, người học đăng ký đơn vị để phục vụ sau khi ra trường, được đào tạo bằng kinh phí của địa phương. Tuy nhiên, sau khi ra trường làm việc được khoảng vài tháng một số bác sĩ xin  nghỉ ngang, sang các đơn vị khác. Địa phương vừa “khan” nhân lực vừa phải bù lỗ chi phí đào tạo…

Ngành Y tế TP HCM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nạn “chảy máu nhân lực”. Đơn cử năm vừa qua có 23 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 xin nghỉ việc do chế độ lương thấp. Trong đó có 6 bác sĩ, 1 y sĩ, 6 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, 3 lái xe, 1 bảo vệ. UBND đã phải có buổi làm việc với Trung tâm để lắng nghe những khó khăn của các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây để cùng bàn cách khắc phục.

Nói về tình trạng này, bà Lê Thị Anh Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho hay, bác sĩ mới ra trường làm ở BV công, lương chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Bác sĩ chuyên khoa 1 như bà Thơ lương cũng chưa tới 10 triệu đồng. Trong khi đó, các BV tư nhân trong cùng khu vực sẵn sàng trả mức lương 10 triệu đồng cho bác sĩ mới ra trường. Các bác sĩ có kinh nghiệm cũng không quá khó khăn để xin được việc thu nhập trên 20 triệu đồng. Chênh lệch về thu nhập, cộng thêm môi trường làm việc được đánh giá tốt hơn hẳn đã khiến bài toán “giữ người” của BV công càng thêm nan giải. 

Cùng với chất lượng phục vụ tốt hơn hẳn, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện thì xu hướng các bác sĩ giỏi chuyển từ BV công sang BV tư cũng là một trong những nguyên nhân kéo theo lượng bệnh nhân đáng kể. Cụ thể, năm 2017, mỗi ngày Trung tâm Y tế huyện Phong Điền khám và điều trị từ 400 đến 500 bệnh nhân. Song tính đến tháng 12/2018, trung bình chỉ còn từ 300 - 400 bệnh nhân đến điều trị.  

Tương tự với tỉnh Bạc Liêu, tỉnh có 1 BV Đa khoa và 8 trung tâm y tế tuyến huyện với tổng số 2.050 giường bệnh. Trong khi đó, hai BV tư nhân chỉ với 300 giường bệnh nhưng chiếm tới 30% số lượng khám chữa bệnh chung của toàn tỉnh. Con số đó đủ để thấy sức hút của y tế tư nhân lớn thế nào.

Cần thay đổi mạnh mẽ về cơ chế tài chính

Thời gian qua BV Đa khoa TW Cần Thơ đã có những nỗ lực rất đáng kể để cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Cụ thể, năm 2018, thu nhập trung bình 1 người tăng thêm 3 triệu đồng/tháng, cao nhất là 6,6 triệu đồng/tháng và thấp nhấp là 1,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên BV trong năm 2018 là 14,4 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 6,1 triệu đồng/tháng, nhưng “vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”. 

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, Cần Thơ đề xuất Bộ Y tế nên sửa đổi về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá cả dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng trao quyền tự chủ toàn diện để phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. 

Cụ thể, quy định tỷ lệ phải trích lại nguồn cải cách tiền lương khoảng 20% thay vì 35- 40% nhằm tạo điều kiện cho đơn vị có kinh phí trang trải cho hoạt động và phát triển đơn vị. Đồng thời tạo điều kiện khuyến khích cho cán bộ y tế có nguồn thu nhập ổn định, an tâm công tác. Về chính sách tiền lương, hiện mức lương khởi điểm của ngành Y tế giống như các ngành khác (hệ số 2,34) là chưa tương xứng với đầu vào và chưa tương xứng với thời gian đào tạo dài hơn các ngành khác. Cần Thơ cũng kiến nghị nên cho cán bộ ngành Y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như ngành Giáo dục.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từng trả lời báo chí, việc nhiều bác sĩ BV công chuyển sang BV tư ở khía cạnh nào đó có thể là đòn bẩy để kích thích y tế tư nhân phát triển, giảm tải BV công. Song nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương và năm nào cũng tái diễn thì ngành Y tế cần xem lại cơ chế đãi ngộ, đổi mới chất lượng BV, chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân viên y tế.

Còn theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý thì BV công sẽ khó lòng giữ chân được bệnh nhân và nhân viên của mình. Bộ Y tế đang đẩy mạnh chương trình đào tạo công tác quản lý BV theo hướng hiện đại, trong đó giám đốc BV không nhất thiết phải quá giỏi về chuyên môn mà phải giỏi về quản lý như một lãnh đạo doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là nền tảng để giữ chân bác sĩ giỏi ở lại các BV công. 

Bác sĩ Võ Duy Ân, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh:

Y tế công phải thay đổi, cải thiện để tồn tại

““Đất lành chim đậu”, việc dịch chuyển bác sĩ đến y tế tư nhân là tín hiệu về mảnh đất lành ở đó. Y tế công lập và y tế tư nhân đã bước đầu cạnh tranh một cách sòng phẳng thì nguồn nhân lực sẽ dịch chuyển về nơi nào có điều kiện lao động và thu nhập cao hơn. Chính lúc này, y tế công lập cần nhìn nhận lại chính mình phải có những thay đổi, cải thiện để tồn tại”.

“Thật sự là thu nhập từ BV công lập của tôi chỉ đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày, không có tích lũy. Tôi phải làm thêm bên ngoài để tăng thêm thu nhập và  thu nhập làm thêm cho y tế tư nhân của tôi cao gấp đôi thu nhập từ bệnh viện. Tuy nhiên, bản thân đã trải nghiệm 2 BV công, 3 BV tư trong và ngoài nước, tôi nhận thấy BV công cũng có những ưu việt riêng. Như nguồn bệnh rất đa dạng và phong phú là cơ hội tốt để bác sĩ trải nghiệm nghề nghiệp của mình; đội ngũ nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có nhiều cơ hội học hỏi trau đồi kiến thức; có sự ổn định nhất định về thu nhập, vị trí việc làm, không phải cạnh tranh nhau… chứ không phải chỉ hoàn toàn là những hạn chế như mọi người vẫn nghĩ”.

Đọc thêm