Tết đầu tiên bên con gái của đôi vợ chồng 14 năm hiếm muộn

Hàng ngày, chị Tú đi làm 7 tiếng dồng hồ, về trước một giờ để cho con bú và chơi với con.
Tết đầu tiên bên con gái của đôi vợ chồng 14 năm hiếm muộn

"Con gái ơi, mẹ về rồi", cứ 5h chiều mỗi ngày, người mẹ tan sở là về thẳng nhà với cô con gái 6 tháng tuổi. Cả ngày đi làm, chị chỉ mong thời gian trôi nhanh hơn để về nhà. Nỗi nhớ con luôn thường trực với chị.

Chị là Dương Thị Tú, 37 tuổi, làm công nhân ở cửa hàng giày da.

Năm 2004, chị và anh Nguyễn Văn Dũng kết hôn, sống tại Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Sau một năm, chị phát hiện mình khó khăn trong chuyện sinh con. Hai vợ chồng từ đó đằng đẵng 14 năm vào Nam ra Bắc chạy chữa nhưng đều thất vọng. "Ai mách đâu đi đấy, nơi nào cũng theo chữa từ 6 đến 7 tháng nhưng chẳng thành", anh Dũng chia sẻ.

Vợ chồng đều làm công nhân nên thu thập chỉ "ba cọc ba đồng". Dành dụm được bao nhiêu dồn vào chữa bệnh. Anh chị may mắn được bố mẹ hai bên giúp đỡ động viên đi điều trị. "Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc", chị Tú tâm sự. "Gia đình mà thiếu vắng tiếng trẻ thơ thì đâu còn trọn vẹn".

Tú Anh là món quà lớn của gia đình anh Dũng, chị Tú trong suốt 14 năm chờ đợi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bé Tú Anh là món quà lớn của gia đình anh Dũng, chị Tú sau suốt 14 năm chờ đợi. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Tháng 10/2017, anh Dũng tiếp tục đưa vợ đi khám. Bác sĩ Phạm Thành Sơn, khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, kết luận chị bị suy buồng trứng. Sau đó, bác sĩ đã tiến hành kích phóng noãn, điều khiển trứng rụng và hướng dẫn hai vợ chồng sinh hoạt điều độ.

Theo bác sĩ Sơn, kích thích buồng trứng là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp hiếm muộn do rối loạn phóng noãn (rụng trứng) ở nữ và trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Kích thích buồng trứng tạo cơ hội có con cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên nhiều trường hợp gặp những tác dụng không mong muốn, nhất là hội chứng quá kích buồng trứng. Do đó, bệnh nhân rất cần được bác sĩ theo dõi để tránh các biến chứng.

Ngoài ra, trường hợp hiếm muộn còn có nhiều nguyên nhân khác như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, niêm mạch mỏng hoặc viêm lộ tuyến ở người phụ nữ... Bác sĩ khuyên các cặp đôi nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Một tháng sau khi được bác sĩ kích noãn, chị Tú mang thai. Chị thậm chí không tin vào kết quả. Anh Dũng cầm trên tay kết quả xét nghiệm mà bật khóc. Kết quả này đã giải tỏa nỗi khao khát con suốt 14 năm vô vọng của hai vợ chồng.

Ngày 5/7/2018, bé gái chào đời nặng 3 kg. Anh chị đặt tên con là Nguyễn Tú Anh.

Bà Nguyễn Thị Thử, bà nội của bé Tú Anh đã ngoài 70 tuổi, kể từ lúc mang thai, con dâu ăn uống điều độ còn con trai thì lúc nào cũng tươi cười, phấn khởi. Đến lúc sinh bé thì ngày nào gia đình cũng vui như Tết. Đây là cái Tết đầu tiên gia đình trọn vẹn 3 thành viên. "Tôi chờ giây phút này từ rất lâu rồi", chị Tú tâm sự.

Đến nay, Tú Anh đã hơn 6 tháng tuổi, gia đình chẳng lúc nào quên được thời khắc thiên thần nhỏ chào đời. Đặt biệt danh Chích Bông cho con, chị mong bé luôn nhanh nhẹn, đáng yêu và khỏe mạnh khôn lớn. 

Gia đình Tú Anh hạnh phúc đón năm mới đầu tiên cùng nhau. Ảnh NVCC

Gia đình bé Tú Anh hạnh phúc đón năm mới đầu tiên cùng nhau. Ảnh: NVCC

Trong cái Tết đầu tiên với bé Tú Anh, chị và anh có nhiều điều ngại ngần. Chị Tú tự hỏi "phải sắm sửa những gì", "chuẩn bị mâm cơm ra sao", anh Dũng còn luống cuống khi nghĩ năm nay sẽ cầu chúc tổ tiên những gì cho đầy đủ. Hai vợ chồng vẫn không ngừng giúp đỡ và san sẻ cùng nhau. Anh Dũng dành hết công việc nặng trong nhà để vợ có thời gian lo cho con. "Con gái rượu mà, phải chăm sóc thật kỹ càng", anh chia sẻ.

Còn chị Tú vừa lo toan mọi việc bếp núc vừa chăm sóc cho Chích Bông. Chị nói chưa bao giờ thấy Tết đầy đủ và ấm áp như năm nay. Chị cũng háo hức khi Chích Bông được nhận những phong bao lì xì đầu tiên trong mùa xuân này.

"Tết năm nay đặc biệt hơn vì có thêm một cây nến hồng", chị ôm con vào lòng và mỉm cười hạnh phúc.