Tổng hợp tình tình dịch SARS-CoV-2 ngày 23: Mối lo ngại toàn cầu, Tổng thống Mỹ tức giận

(PLVN) - Tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 23-2 thông báo, cho đến cuối ngày 22-2, tỉnh này có thêm 630 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và 96 ca tử vong mới.
Nhân viên tại bệnh viện Tongji ở tâm điểm dịch Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
Nhân viên tại bệnh viện Tongji ở tâm điểm dịch Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.

Ngày 23/2, đánh dấu một mối lo ngại mới trong diễn tiến chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. WHO đã đổi tên của loại virus này là SARS-CoV-2 - trước đó, nó từng được gọi là nCovy, Covid-19 - theo đề nghị của WHO.

Về lý do đổi tên, 11 thành viên của Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus lý giải “chính thức xem virus này là họ hàng của virus Corona gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng”.

Ở "tâm chấn" của dịch SARS-CoV-2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết,  số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới trong ngày 22-2 đã tăng 366 ca so với 1 ngày trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Hồ Bắc đã đạt 64.084 ca. Bên cạnh đó, số trường hợp tử vong mới cũng tăng thêm 96 ca so với ngày 21-2.

Theo cập nhật của Reuters lúc 6h sáng ngày 23-2, số ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc đã là 2.346 cho đến hết ngày 22-2.

Đặc biệt, Chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã thông báo về một ca ủ bệnh COVID-19 trong 27 ngày, gần gấp đôi thời gian thông thường.

Reuters dẫn thông báo ngày 22-2 của chính quyền Hồ Bắc cho hay, một người đàn ông 70 tuổi ở tỉnh này đã bị nhiễm virus COVID-19 nhưng không có bất cứ triệu chứng nào trong 27 ngày sau đó.

Trên thế giới, điểm nóng của dịch bắt đầu lan sang Hàn Quốc, Ý, Iran.

Tại Hàn Quốc, con số nhiễm SARS-CoV-2 mới đã khiến người dân và chính phủ lo ngại. Chỉ trong ngày thứ 7, đã phát hiện thêm 229 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 433.

Thủ tướng Hàn Quốc đã phải gọi sự lây lan nhanh chóng của coronavirus mới ở nước này là tình trạng "nghiêm trọng" vào thứ Bảy và kêu gọi mọi người kiềm chế tổ chức các sự kiện tôn giáo ở những nơi đông người.

Tại Ý, sau khi có 2 bệnh nhân tử vong, 79 người mắc, Thủ tướng Ý đã tuyên bố chặn việc đi lại với các điểm nóng của dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra.

"Tại những khu vực được coi là điểm nóng, việc ra và vào sẽ bị cấm nếu không được cấp phép đặc biệt", Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố.

Dịch bệnh bùng phát ở Ý tập trung chủ yếu tại phía Bắc tỉnh Lombardy.

Thủ tướng Conte khẳng định đã tiến hành cách ly tất cả những người đã tiếp xúc với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và sẵn sàng đánh giá các giải pháp mới.

Tại Nhật Bản, một thông báo khiến các bậc phụ huynh phẫn nộ liên quan đến trường hợp giáo viên nhiễm SARS-CoV-2 nhưng vẫn đi dạy, đã khiến cho 3 học sinh bị lây nhiễm. 

Cũng tại Nhật Bản, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản ngày 22-2 lên tiếng xin lỗi sau khi để 23 hành khách rời du thuyền Diamond Princess mà chưa được xét nghiệm SARS-CoV-2 cẩn thận.

Theo Sputniknews, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 22/2 thông báo có 23 hành khách xuống từ du thuyền Diamond Princess được cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản đầu tuần này không được xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Kato cho biết sai sót này đã được phát hiện vào tối 20/2. Trong số những người chưa được xét nghiệm có 19 công dân Nhật Bản và bốn hành khách nước ngoài. Những người này đã được yêu cầu xét nghiệm và liên hệ với cơ quan y tế nếu có các triệu chứng, đặc biệt là sốt và ho.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Tỉnh trưởng Markazi, ông Ali Aghazadeh cho biết lại vừa có thêm một ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS-CoV-2, nâng số ca tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này lên 6 người. Nạn nhân qua đời tại thành phố Arak, miền Trung Iran, cũng có tiền sử bị bệnh tim. Trong số 28 công dân nước Cộng hòa Hồi giáo đã được xác nhận nhiễm nCoV, đa số sinh sống tại thành phố Qom ở miền Trung, trong khi những người khác sống tại Tehran và Rasht.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổi giận với các cố vấn cấp cao vì cho phép 14 người Mỹ trên tàu Diamond Princess ở Nhật dương tính với SARS-CoV-2 trở về Mỹ.

Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết: "Ông Trump chỉ biết về quyết định này sau đó và đã tức giận vì ông không được tham vấn trước" - tờ báo Mỹ viết, cho biết tổng thống Mỹ lo ngại việc này có thể làm hỏng nỗ lực chống dịch của chính quyền ông.

Tại Việt Nam, tình hình chống dịch vẫn khá khả quan khi cả 16/16 bệnh nhân nhiễm bệnh đã được điều trị thành công. Trưởng Đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Park Ki Dong đánh giá Việt Nam cho tới nay đã ứng phó tốt với nguy cơ từ virus corona chủng mới, trong đó việc chuẩn bị từ sớm, điều tra quá trình tiếp xúc các ca nhiễm và phối hợp liên ngành.