Trẻ mắc rối loạn phân ly: Cần biện pháp tâm lý kịp thời

(PLO) - Rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 - 0,5% dân số. Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con,... Tuy nhiên, rối loạn phân ly hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện, can thiệp sớm và không ảnh hưởng đến tư duy hay sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Khám sức khỏe cho các học sinh tại điểm Trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn
Khám sức khỏe cho các học sinh tại điểm Trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn

Liên tục xuất hiện nhiều học sinh mắc rối loạn phân ly

Mới đây, báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk về trường hợp 6 học sinh tại huyện Krông Bông có biểu hiện lạ, ghi nhận ban đầu do chứng rối loạn phân ly tập thể. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh vẫn cần điều tra nguyên nhân cụ thể. Trước đó, ngày 8/12, giáo viên tại điểm trường Ea Lang của Trường Tiểu học Cư Pui 2, xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) phát hiện một học sinh nữ có biểu hiện bất thường: Mặt đỏ, môi tím, nói nhảm, thỉnh thoảng lại la hét, không làm chủ được bản thân. Sau đó, có thêm 5 nữ sinh cũng có triệu chứng tương tự. Trước sự việc bất thường này, nhà trường đã báo cáo ngành y tế địa phương.

Nhận được thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Lắk) đã tổ chức đoàn công tác đến xã Cư Pui - nơi có 6 học sinh dân tộc Mông từ 10-13 tuổi phát bệnh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk, các học sinh có triệu chứng mất ngủ, hay nói lảm nhảm, ôm bạn vật xuống đất và chạy ra ngoài khi đang học. Mỗi cơn kéo dài từ 15 phút đến 1 giờ, sau đó các cháu trở lại bình thường. Qua tìm hiểu tại gia đình, các em đều sinh sống bình thường, không ai bị chấn thương vùng sọ não, té, ngã để gây sang chấn về thần kinh; cũng chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính và cấp tính…

Cũng trong tháng 12, tại điểm trường Nà Bản thuộc trường Tiểu học Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có 5 lớp học với 108 học sinh. Theo nhà trường, toàn bộ số học sinh có biểu hiện lạ, không kiểm soát được bản thân đều thuộc điểm trường Nà Bản và đều có triệu chứng giống nhau. Ban đầu các em hơi mệt, sau đó chuyển sang trạng thái hung dữ, mất kiểm soát bản thân không nhận biết được bất kể ai. Khi các thầy cô giáo đến hỗ trợ, các em hung dữ, sẵn sàng phản ứng bằng cách đánh lại, cấu xé, cắn các thầy cô giáo… Qua giai đoạn hung dữ, các em lại rơi vào trạng thái ngất xỉu, khi tỉnh dậy nhiều em yếu không đi lại được và các em cũng không nhớ lại được. PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, người trực tiếp thăm khám cho các học sinh tại Nà Bản cho biết, đây là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.

Theo TS. Tô Thanh Phương, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho hay: “Rối loạn phân ly không phải là căn bệnh hiếm gặp và thường xuất hiện trong các trường học. Bởi nhiều học sinh nữ đang trong giai đoạn dậy thì thay đổi tâm sinh lý rất dễ có những biểu hiện lo sợ, tức giận… dẫn đến mắc chứng bệnh trên. Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh trên là do có một cháu bé nào đó lo sợ, tức giận, thất vọng quá mức, sau đó xuất hiện một số biểu hiện nhảy nhót, la hét… Và khi đó một trẻ khác nhìn thấy cũng sẽ có xu hướng biểu hiện tương tự, cũng sẽ nhảy nhót, la hét theo. Đây là chứng bệnh rất dễ lây vậy nên nếu thấy xuất hiện trường hợp như vậy thì người lớn nên cách ly các em bị bệnh ra khỏi những em bình thường để tránh lây lan”, TS Phương cho biết.

Quá nuông chiều hoặc khắt khe, cha mẹ dễ khiến con sinh bệnh

Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương – Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 - 0,5% dân số. Một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ mắc chứng bệnh trên chính là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con...

Rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”. Sự lan truyền triệu chứng xảy ra trong nhóm người có mối quan hệ nào đó về môi trường hoặc sang chấn, tạo ra hàng loạt ca bệnh. Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể. Vì vậy, bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng. Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… Trong những trường hợp như vậy, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực. Đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, chăm sóc.

Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính “chịu ám thị”. Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay.

“Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh”, BS Hương cho hay.