Sống nhờ biển nên phải bám biển, giữ biển

(PLO) - Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. 
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Đến từ vùng biển Quảng Ngãi, sáng nay (22/1), ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh tại ĐH XII: “Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển. Nói cách khác, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

Quảng Ngãi đã phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển.

Lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng, huấn luyện thường xuyên, định kỳ tổ chức diễn tập phòng thủ khu vực nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh; công tác tuần tra, kiểm soát, tìm kiếm, cứu nạn trên biển được tăng cường.

Công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền được thực hiện kịp thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao can thiệp với các nước đưa ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ về nước an toàn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho ngư dân bị nạn trên biển, bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tàu, tài sản, góp phần ổn định đời sống, giúp ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa
 Ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa

Với nhận thức “phát triển kinh tế biển, đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia”, ông Lê Viết Chữ cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX xác định phát triển kinh tế biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm. 

Việc phát triển kinh tế biển, đảo đảm bảo đồng bộ cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; cảng biển và vận tải biển; công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Bí thư Quảng Ngãi cũng khẳng định, “phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Quảng Ngãi sẽ nỗ lực cùng cả nước thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biển; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển".

Khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác ở vùng biển xa, chủ yếu là ở Hoàng Sa và Trường Sa

Quảng Ngãi là một trong số các địa phương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa, chủ yếu là ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Đến nay, toàn tỉnh có 5.480 chiếc tàu với tổng công suất 934.000 CV; trong đó, có hơn 1.870 tàu có công suất từ 90CV trở lên; xây dựng 03 khu neo đậu tránh trú bão, 03 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản, 16 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; thành lập, kiện toàn 10 nghiệp đoàn nghề cá với 6.000 đoàn viên và 307 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 167.540 tấn các loại, giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trực tiếp trên biển; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1.300 hecta, sản lượng đạt 5.850 tấn. 

Đọc thêm