Chất ô nhiễm từ các nhà máy, các trang trại của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới cộng với tục hỏa táng ở bờ sông của những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ đang đẩy dòng sông này vào tình trạng “hấp hối”.
Sông cũng cần được gột rửa
Sông Hằng khởi nguồn từ những đỉnh núi cao phủ đầy tuyết trắng ở dãy Himalaya. Nguồn nước mát lạnh, trong lành chảy dọc các dãy núi, xuống vùng đồng bằng trước khi đổ ra biển. Trong tiếng Hindu, sông Hằng được ví là Mẹ Hằng, nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển của nền văn minh Ấn Độ.
Ở thành phố linh thiêng Rishikesh, thầy giảng đạo Chidanand Saraswati đang chủ trì một buổi lễ cầu nguyện với sự tham gia của khoảng 50 nhà sư và hàng trăm tín đồ theo đạo Hindu.
Tất cả những người hành hương dự lễ đã xuống sông tắm theo một nghi lễ thanh lọc cơ thể cổ xưa. Người Hindu coi sông Hằng như Chúa. Họ cho rằng dòng sông này từ thiên đường chảy xuống để làm sạch trái đất, tắm trong nước sông có thể rửa sạch mọi tội lỗi.
Saraswati hào hứng cho biết có khoảng 1 triệu tín đồ đã tham dự buổi lễ cầu nguyện của ông. Tuy nhiên, giọng ông trùng xuống, trán hiện đầy nếp nhăn khi được hỏi về sự ô nhiễm của sông Hằng.
“Người ta nghĩ rằng sông Hằng có thể rửa trôi đi những tội lỗi của bản thân, có thể giải quyết tất cả mọi việc nhưng họ quên mất rằng dòng sông có thể rửa sạch tội lỗi của họ nhưng không thể rửa sạch chất thải, những chất gây ô nhiễm mà chính họ thải ra. Trước khi tắm ở sông Hằng, tôi nghĩ chúng ta cũng cần tắm rửa cho dòng sông” – ông nói.
|
Sông Hằng nhìn từ trên cao |
Trong suốt thời gian qua, ông Saraswati đã tích cực vận động thực hiện các chiến dịch nhằm làm trong sạch sông Hằng. Ông cho rằng: “Ấn Độ đang giết chết sông Hằng, giết chết mẹ của chính họ”.
Quan chức tham nhũng
Kanpur là trung tâm của ngành công nghiệp thuộc da hùng mạnh của Ấn Độ. Hầu hết các sản phẩm da được làm ra ở Kanpur được xuất khẩu, trong đó phần nhiều được đưa sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Nhưng theo nhà vận động về môi trường Rakesh Jaiswal, đây cũng chính là thành phố bẩn nhất tại nước này.
Theo ước tính, mỗi ngày có đến hơn 500 triệu lít nước thải từ các nguồn công nghiệp được xả thẳng ra sông Hằng. Ở nhiều nơi, nguồn nước thải này được xả ra sông mà hoàn toàn không qua xử lý. Trong đó, Kanpur hiện được xem là nơi ô nhiễm nhất dọc sông Hằng.
Với tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, thành phố không thể đối phó được với tình trạng ô nhiễm đang xảy ra. Ước tính, mỗi ngày thành phố thải ra tới 9 triệu lít chất thải công nghiệp ra sống Hằng.
Ông Jaiswal cho biết, ngành công nghiệp thuộc da sử dụng rất nhiều hóa chất để làm mềm và bảo quản da. Một số hóa chất, bao gồm hợp chất crom – có thể gây ung thư. Ngoài ra, các hóa chất công nghiệp khác cũng vô cùng độc hại. Do đó, việc xả thải ra sông như vậy đã đầu độc dòng sông một cách nhanh chóng, khiến nước sông không thể uống hay tắm được và gây bệnh tật cho người sử dụng.
Tại Bộ nước sạch ở Delhi, công chức của Ủy ban làm sạch sông Hằng tên Shashi Shekhar cũng có chung ý kiến với ông Jaiswal cho rằng tham nhũng và sự yếu kém trong khâu quản lý là một trong những yếu tố dẫn tới tình trạng các chất gây ô nhiễm được đổ thẳng ra sông.
Ông Shekhar dẫn các số liệu cho biết, cho đến gần đây vẫn có gần 200 nhà máy thuộc da ở Kanpur hoạt động không phép. Đồng quan điểm với ông Jaiswal, ông Shekhar cũng cho rằng tình trạng này chỉ diễn ra với sự thông đồng của các quan chức tham nhũng.
Người nông dân cũng là thủ phạm
Các nhà khoa học cho rằng, để làm sạch sông Hằng không chỉ cần kiểm soát những thứ được đổ vào lòng sông mà còn cần phải kiểm soát cả những thứ được lấy đi. Sở dĩ nói vậy là bởi dòng sông này là nguồn cấp nước quan trọng cho một khu vực rộng lớn ở Ấn Độ. Lưu vực sông trải rộng trên một vùng đất đến hơn 1 triệu km2 và là nơi trú ngụ của hơn 40% trong tổng số 1,3 triệu dân của nước này.
Dọc dòng chảy của con sông, người ta xây dựng những con kênh chằng chịt để lấy nước phục vụ tưới tiêu và nước uống. Tuy nhiên, lấy nước trực tiếp từ sông chỉ là một phần của vấn đề. Việc đáng lo ngại hơn là tình trạng lấy nước trong lòng đất. Việc đào những giếng nước ở gần sông khá dễ dàng. Với việc mỗi người trong hơn 200 triệu nông dân ở Đồng bằng sông Hằng đều có 1 cái giếng, lượng nước mà họ sử dụng là vô cùng lớn.
Kết quả là, theo các nhà khoa học, mực nước ngầm ở khu vực đang giảm rất mạnh. Năm 2012, các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu địa lý quốc gia Ấn Độ cảnh báo rằng mực nước ngầm ở Delhi có thể cạn kiệt chỉ trong vài năm tới.
Nước trên sông bị lấy đi cộng với nước ngầm sụt giảm nên nhiều nơi ở sông Hằng nước chảy rất chậm hoặc thậm chí không chảy được trong những tháng mùa khô, khiến cho khu vực đó được ví không khác gì một ống cống mở. Tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Ấn Độ đang phải gánh chịu hạn hán nghiêm trọng sau 2 năm liên tiếp mưa ít.
Thành phố linh thiêng bị ô nhiễm
Varanasi được cho là hiện thân rõ ràng nhất của Ấn Độ, với đầy đủ sự ồn ào, hỗn loạn, lung linh, giàu truyền thống và cũng rất đẹp đẽ. Nhưng điều khiến du khách dễ bị choáng ngợp ở đây nhất có lẽ là nằm ở số dân. Đây cũng là một thách thức đáng kể trong nỗ lực làm trong sạch sông Hằng.
Những người theo đạo Hindu cho rằng được hỏa táng trên giàn thiêu ở cạnh sông Hằng sẽ giúp họ được giải thoát khỏi vòng tròn của sự chết chóc và hồi sinh. Cũng chính vì lý do đó nên ước tính có khoảng 32.000 thi thể người được hỏa táng ở đây mỗi năm, tương đương khoảng 300 tấn thịt người đã bị đốt cháy một nửa được đổ xuống sông Hằng.
Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, người ta vẫn xả thải các chất thải sinh hoạt ra chính sông Hằng. 30 năm trước, chính phủ Ấn Độ đã xây dựng hàng loạt các nhà máy xử lý nước thải lớn dọc con sông này. Nhưng theo ông Sanjay Kumar Singh, người đứng đầu bộ phận kiểm soát ô nhiễm sông Hằng ở Varanasi, cho biết, tổng công suất của các nhà máy này là khoảng 100 triệu lít mỗi ngày nhưng lượng nước thải ra lên đến 300 triệu lít.
|
Nước thải chưa qua xử lý là một trong những yếu tố chính đầu độc dòng sông. |
Những con số khác thậm chí còn cho thấy một bức tranh tồi tệ hơn. Ví dụ, theo Trung tâm khoa học và môi trường của Ấn Độ, khoảng 80% nước thải ở lưu vực sông Hằng chưa được xử lý. Đó cũng là lý do tại sao mức độ ô nhiễm của sông nghiêm trọng như vậy.
Tại Varanasi, mức độ ô nhiễm của nước sông đôi khi cao gấp 150 lần mức độ an toàn để tắm nhưng vẫn có rất nhiều người bất chấp nguy hiểm để xuống sông. Ô nhiễm nguồn nước cũng là lý do được viện dẫn để lý giải cho việc ở Ấn Độ hiện nay vẫn có đến 1/3 trong số 1 triệu trẻ em dưới năm tuổi thiệt mạng mỗi năm vì tiêu chảy.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã phát động các sáng kiến tương tự. Ví dụ, trong những năm 1980, cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi cũng đã bắt đầu chương trình xây dựng các nhà máy xử lý chất thải ở dọc sông Hằng. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Và trên thực tế, sông Hằng vẫn đang ngày càng trở nên ô nhiễm, với tốc độ ngày càng nhanh hơn.