Những nguy cơ lúc giao mùa
Từ những tháng trước, các chuyên gia dịch tễ trên thế giới đã đưa ra những dự báo về nguy cơ dịch bệnh trở lại vào thời điểm giao mùa và đặc biệt là vào mùa đông, khi khí hậu lạnh đột ngột, là môi trường lý tưởng cho virus viêm phối hoạt động.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), ông Michael Osterholm dự báo thế giới rất dễ chứng kiến đợt bùng phát mới vào mùa Thu và mùa Đông. Trong tình trạng các nước hầu như đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ mở cửa kinh tế, đưa cuộc sống về bình thường, thế giới trong vài tháng tới có thể sẽ phải đối diện với các ổ dịch trong lớp học, trên các phương tiện công cộng và nơi làm việc.
Ngay cả khi tỉ lệ tiêm chủng tăng nhanh, phủ nhiều thì vẫn có những nhóm người thuộc diện dễ bị tổn thương trước virus SARS-CoV-2. Đó là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người bị bệnh nền nặng, người không thể tiêm vaccine hoặc không muốn tiêm vaccine...
Thực tế, thời điểm tháng 10 hàng năm là lúc tiết trời chuyển mùa từ thu sang đông, nhiệt độ thay đổi thất thường. Đặc biệt, tại khu vực Tây Nguyên và miền Bắc, sáng nắng hanh khô, chiều tối mưa rải rác, đêm chuyển lạnh và sáng sớm có sương mù. Đây là khí hậu lý tưởng tạo điều kiện bùng phát nhiều dịch bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bởi lúc này, nhiệt độ, độ ẩm và sự thay đổi khí hậu tạo điều kiện thuận lời cho các loại vi khuẩn, virus tồn tại ở khắp mọi nơi, sinh sản nhanh chóng và gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm.
Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến trẻ em. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn còn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đến từ môi trường bên ngoài. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn. Tại TP HCM, theo ghi nhận thời điểm mua thu - đông năm ngoái, số bệnh nhi nhập viện vì mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Trong đó, nhiều ca bệnh có diễn tiến nặng phải thở oxy, thở máy, nhiều ca tiến triển nặng phải điều trị trong thời gian dài.
Theo ghi nhận, tỉ lệ trẻ tử vong toàn cầu do mắc các bệnh liên quan đến hô hấp thời điểm thu sang đông thường tăng đột biến vào thời điểm giao mùa thu - đông.
Cạnh đó, người cao tuổi và người suy giảm hệ miễn dịch cũng đối mặt với rất nhiều nguy cơ trong thời điểm giao mùa. Và hiện nay, COVID-19 chính là nguy cơ đáng ngại nhất.
Với người cao tuổi, tuổi càng cao, khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm, hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh, thêm vào đó là những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ bệnh chồng thêm bệnh và diễn tiến nặng tăng cao.
Với người có hệ miễn dịch yếu do bẩm sinh hoặc do bệnh sẽ nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh, nguy cơ mắc các bệnh giao mùa cao hơn và khi mắc bệnh, các biến chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
Thường xuyên rửa tay vẫn là cách phòng bệnh dịch hữu hiệu cho bất cứ thời điểm nào. |
Tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng
Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống bệnh tật về đường hô hấp, các gia đình cần trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ đường hô hấp cũng như cân đối, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe.
Cân bằng dinh dưỡng chính là biện pháp quan trọng hàng đầu giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại những các dịch bệnh mùa thu đông. Một chế độ ăn được xem là cân bằng dinh dưỡng khi cân đối được 4 yếu tố: Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); Cân đối về vitamin và chất khoáng; Cân đối 3 chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (protein, lipid, carbohydrate); Cân đối về protein (giữa đạm động vật và đạm thực vật). Gluxid (tinh bột) nên chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng. Nên bổ sung thêm protein từ cá bởi trong cá có omega-3 và các loại chất béo không no.
Một số thực phẩm có nhiều vitamin C, vitamin A, kẽm, polyphenol... là những chất chống oxy hóa, có vai trò kháng khuẩn và hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh. Các loại thực phẩm khác như sữa tách béo, trứng, hải sản có nhiều vitamin D cũng giúp phòng ngừa và hạn chế nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Cạnh đó, để phòng ngừa các loại bệnh hô hấp thời điểm này, cần đặc biệt quan trọng việc giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ nhỏ. Nên thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân, những ngày trời rét đậm cần tránh ra ngoài, nhất là khi vừa uống rượu, bia... để đề phòng cảm lạnh. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm thì người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài lúc sáng sớm đề phòng nhiệt độ thay đổi đột ngột gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, việc vệ sinh và làm ấm vùng mũi họng mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa được xâm nhập của virus gây bệnh. Thông dụng nhất là dùng nước muối sinh lý súc miệng họng và nhỏ mũi ngày 2-3 lần. Không nên dùng các loại nước đá, nước lạnh mà thay thế bằng việc uống nước ấm ngày 3 lần vào sáng sớm, trước bữa ăn trưa và tối, có thể cho thêm gừng tươi, mật ong và nước cốt chanh để tăng đề kháng.
Sống xanh, sống lành để bảo vệ sức khỏe
Thực hiện một lối sống sạch, xanh và lành mạnh là một trong những yếu tố cực kì quan trọng giúp mỗi người chống chọi lại nguy cơ xâm nhập của COVID-19 thời điểm cuộc sống đã trở lại bình thường, và thời tiết đang giao mùa. Giữ gìn 5k khi ra ngoài, giao tiếp luôn là khuyến cáo quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng chống COVID-19, việc rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, đảm bảo vệ sinh môi trường sống là những nguyên tắc giúp phòng chống bệnh tật.
Nên giữ gìn ngôi nhà sạch khuẩn bằng cách lau dọn sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, cần phải làm sạch không khí, tiêu diệt mầm bệnh như các loại virus, vi khuẩn, bào tử nấm mốc trong không khí. Mỗi ngôi nhà nên có những cây xanh có tác dụng thanh lọc không khí, cung cấp oxy sạch. Cạnh đó, xông nhà bằng thảo dược tự nhiên là một trong những phương pháp được dùng từ lâu đời giúp loại bỏ không khí ô nhiễm, tăng cường năng lượng tốt.
Các cửa của ngôi nhà cũng nên mở thường xuyên để đón ánh nắng tự nhiên tràn vào cùng với gió trời. Vào mùa này, nên hạn chế sử dụng máy lạnh trong phòng ngủ vì nhiều gia đình ở phía Nam vẫn luôn có thói quen dùng máy lạnh ngay cả ở mùa đông.
Để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn, cha mẹ còn cần chú ý vệ sinh thân thể cho bé. Với bé lớn, cần rèn luyện ý thức vệ sinh cá nhân để bé tự biết cách bảo vệ, chăm sóc bản thân kể cả khi không có cha mẹ ở bên.
Trẻ cần được tắm rửa thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng đúng cách, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người… Phòng ngủ của trẻ cũng phải được giữ gìn sạch sẽ, thoáng mát, không cho nấm mốc và các loại ấu trùng có cơ hội sinh sôi.
Cạnh đó, cần rèn luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày. Vận động thường xuyên giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tấn công nhanh hơn các loại virus xâm nhập. Để vận động phát huy hiệu quả tốt nhất, cần dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để luyện tập thể dục.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để duy trì sức khỏe, người lớn cần luyện tập ở cường độ vừa 150 phút/ tuần, và cường độ nặng 75 phút/ tuần; đồng thời duy trì các loại hình vận động có tính kháng lực 2 lần tuần nhằm tăng cường sức cơ.
Thời điểm này, các tỉnh thành đã hầu hết tháo bỏ giãn cách, nhưng nhiều gia đình vẫn e ngại sự lây lan của dịch bệnh nên chưa dám ra khỏi nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nên tạo hội cho cả gia đình ra ngoài trời, đến những nơi có nhiều không khí, ánh sáng, nhiều cây xanh để vận động và hít thở khí trời tự nhiên. Tất nhiên là với điều kiện tuân thủ giữ khoảng cách và các biện pháp phòng dịch kĩ càng. Sự thoải mái, sảng khoái về mặt tinh thần cũng chính là liều thuốc tốt giúp đẩy lùi nhiều bệnh tật.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"