Sốt xuất huyết vào mùa: Cẩn thận để không bùng phát lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Đến hẹn lại lên”, dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong Nam. Tại các tỉnh, thành phía Bắc và Thủ đô Hà Nội, các trường hợp sốt xuất huyết mới chỉ xuất hiện rải rác nhưng các chuyên gia cảnh báo người dân không thể chủ quan.
Phun hoá chất phòng dịch tại Bình Định.
Phun hoá chất phòng dịch tại Bình Định.

Chu kỳ 5 năm bùng dịch

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 25.861 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021). Đáng lo là số bệnh nhân nặng gia tăng mạnh với 209 trường hợp (tăng gần gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021) và tăng cả ở trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Chỉ tính riêng trong tuần 22 (từ ngày 27/5-2/6/2022), thành phố ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Số ca mắc tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trừ quận 10…

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 55 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 42% so với cùng kỳ năm 2021). Các ca bệnh rải rác ghi nhận tại 6 quận, huyện gồm: Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Đống Đa.

Tuy số ca mắc vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng các chuyên gia phân tích, cứ 5 năm sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch lớn. Năm 2017, chúng ta đã đương đầu với trận dịch sốt xuất huyết khá lớn. Như vậy, theo chu kỳ năm 2022 sẽ là thời điểm dịch bệnh này bùng phát mạnh. Hiện tại dịch bệnh sốt xuất huyết đã bùng phát ở các tỉnh miền Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh với số ca mắc không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Còn ở miền Bắc và Hà Nội, thời tiết năm nay thay đổi thất thường (mọi năm tháng 5 đã rất nắng nóng thì hiện tại vẫn có những ngày lạnh) nên khả năng dịch bệnh sẽ đến muộn hơn (vào khoảng tháng 7, tháng 8), người dân tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác.

Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Tuy không phải dịch bệnh nguy hiểm và khó phòng chống nhưng vì chủ quan, thiếu kiến thức về bệnh, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết đã biến chứng dẫn đến tử vong. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Một trong những nhầm lẫn tai hại là lầm tưởng sốt xuất huyết với sốt thông thường, sốt virus, thậm chí COVID-19…

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, để phân biệt sốt xuất huyết với các loại sốt của bệnh khác (sốt virus, viêm phế quản, COVID-19…), cần dựa vào các đặc điểm của sốt xuất huyết. Thường sốt xuất huyết xảy ra ở những người đang khỏe mạnh (cả ở trẻ con và người lớn), nhưng đột ngột bị sốt rất cao, ngay từ đầu và kể cả khi được uống thuốc hạ sốt, giảm xong lại sốt cao. Trong 3 ngày đầu sốt rất cao, liên tục, có thể chỉ sốt đơn thuần, hoặc kèm theo một số triệu chứng khác (đau cơ, đau đầu, đau nhức mình mẩy…). Một số người còn bị xuất huyết dưới da, hay bị chảy máu chân răng, chảy máu mũi…

Với sốt xuất huyết, khi sốt cao trong 3 ngày đầu chỉ có thể phân biệt với các dạng sốt khác nhờ kết quả xét nghiệm. Khi bệnh đã sang các giai đoạn khác, có thể phân biệt nhờ kết quả xét nghiệm và các biểu hiện bệnh. Một điều đáng lưu ý, đối với sốt virus thông thường, khi hết sốt thì triệu chứng bệnh cũng thuyên giảm, nhưng đối với sốt xuất huyết, khi lui sốt lại bắt đầu vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm. Vì thế, bệnh nhân cần được thăm khám và theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.

Để tránh nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19, bác sĩ Nguyễn Thu Hường – Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo: Đối với người đã tiêm phòng COVID-19, các triệu chứng rất nhẹ nhàng và sốt thường không cao quá (chỉ khoảng 37-38 đến 38 độ 5) nhưng bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sốt trên 40 độ, kèm theo đau đầu, mệt mỏi.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi, đặc biệt gây xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người dân nên đi khám sớm, nếu thấy các biểu hiện bất thường, để xác định đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Đọc thêm