Sự chuyển mình của ngành Tư pháp

(PLO) - Biểu dương và cảm ơn những cố gắng của cán bộ, công chức Bộ, ngành Tư pháp trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, toàn ngành thực hiện được nhiều công việc đã đề ra, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, đóng góp vào nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương...
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Hôm qua (11/7), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Thẩm định xong chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh

Báo cáo sơ kết tình hình công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực triển khai Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kịp thời bám sát và hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân… Bộ, ngành Tư pháp có bước đổi mới việc tổ chức họp, hội nghị, thực hiện rà soát, lồng ghép và cắt giảm khoảng 20% số hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chuyến công tác địa phương trong năm 2016.

Trong công tác xây dựng pháp luật, các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến 7 luật, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã từng bước được khắc phục hiệu quả. Riêng Bộ Tư pháp đã trình 18/18 văn bản, đề án, đạt tỷ lệ 100%. Toàn ngành Tư pháp đã thẩm định trên 4.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Bộ đã thẩm định 151 dự thảo văn bản và 61 điều ước quốc tế, trong đó có 50/50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp…

Trong 6 tháng còn lại của năm, Bộ Tư pháp xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý là tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, tạo bước đột phá ngay từ khâu xây dựng chính sách; đẩy mạnh công tác THADS, hành chính, quyết tâm phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao. Bộ Tư pháp cũng khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Tập trung thi hành hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL năm 2015

Trình bày chuyên đề về kết quả triển khai thi hành Luật Hộ tịch, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, nhìn chung các việc đăng ký hộ tịch bảo đảm đúng pháp luật, trong đó nhiều việc nhận được sự hài lòng từ người dân. Về cơ bản 6 tháng qua không có vướng mắc lớn hoặc điểm nghẽn gây bức xúc về đăng ký hộ tịch. Những kiến nghị từ các địa phương cơ bản đã được Bộ (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) hướng dẫn thực hiện. Có thể khẳng định, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Khanh cũng đã trao đổi một số nội dung để thống nhất nhận thức và áp dụng giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch, bảo đảm thực hiện đúng nội dung, tinh thần của Luật Hộ tịch liên quan đến việc cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau; việc xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987; đối tượng phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn/hủy kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (ghi chú ly hôn) và lệ phí đăng ký hộ tịch. Điểm lại một số nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Khanh nhấn mạnh đến cần tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. 

Báo cáo chuyên đề tình hình triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nêu lên một số kết quả và một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai.

Trên cơ sở đó, theo ông Tuyến, trong 06 tháng cuối năm 2016, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới VBQPPL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; xây dựng, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để tổ chức thi hành Luật năm 2015 có hiệu quả. Ngoài ra, sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành VBQPPL cho các công chức xây dựng pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch và công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế của các ban thuộc HĐND.

Sẵn sàng xử lý các việc mới phát sinh

Biểu dương và cảm ơn những cố gắng của cán bộ, công chức Bộ, ngành Tư pháp trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, toàn ngành thực hiện được nhiều công việc đã đề ra, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, đóng góp vào nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương. Nổi bật là công tác xây dựng pháp luật và việc phản ứng chính sách đã tốt hơn, ngành Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành đối với những vụ việc không lường trước, thể hiện sự chuyển mình, sẵn sàng của các cán bộ trong Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như tình trạng nợ văn bản vẫn còn, đặc biệt là thông tư; trong công tác xây dựng pháp luật, phải chịu một phần trách nhiệm; trong công tác thi hành pháp luật, việc sử dụng công cụ sẵn có trong ngành còn quá e dè; công tác thi hành án dân sự chưa bền vững; trong công tác chỉ đạo, điều hành còn một số việc chưa kiên quyết.

Vì vậy, bên cạnh thống nhất tiếp tục thực hiện chương trình công tác trọng tâm của Bộ, ngành và một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải sẵn sàng xử lý các việc mới phát sinh như trong 6 tháng đầu năm đã làm.

Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về Chính phủ kiến tạo và khởi nghiệp, Bộ trưởng lưu ý tập trung công tác xây dựng, trình các dự án Luật Đấu giá tài sản, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), có căn chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo xã hội hóa vừa đảm bảo công cụ quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng còn chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra như kiểm tra tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực mà báo chí phản ánh như hoạt động của văn phòng công chứng, trung tâm bán đấu giá, văn phòng luật sư… 

Đọc thêm