Văn bản quy định chi tiết đang nợ đọng rất lớn

(PLO) - Đây là một thực tế được nêu tại cuộc họp liên ngành về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết trong quý III/2015 diễn ra chiều 24/9 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.
Văn bản quy định chi tiết đang nợ đọng rất lớn. (Ảnh minh họa)
Văn bản quy định chi tiết đang nợ đọng rất lớn. (Ảnh minh họa)
Báo cáo về tình hình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức cho biết trong quý III/2015, các bộ, ngành đã phối hợp chỉnh lý 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10; đồng thời chỉnh lý, hoàn thiện 12 dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, Chính phủ đã phải có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời hạn trình 1 dự án luật là Luật Quy hoạch.
Cũng trong quý III/2015, các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 125 văn bản gồm 102 văn bản quy định chi tiết 34 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 23 văn bản quy định chi tiết thi hành 4 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016. Tính đến ngày 21/9/2015, đối với 102 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, đã ban hành 19 văn bản, đạt 18,63%. 
Như vậy, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng là rất lớn với 83 văn bản, tăng 49 văn bản so với 34 văn bản vào quý III/2014. Trong đó, có một số văn bản quy định chi tiết các luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Ngoài ra, trong số 19 văn bản đã ban hành thì không có văn bản nào có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã cùng nhau đánh giá thực trạng, đưa ra nguyên nhân và thẳng thắn nhìn nhận một số trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm túc việc hạn chế nội dung giao quy định chi tiết hoặc trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh. 
Nhiều ý kiến còn đưa ra giải pháp nhằm cải thiện tình hình như Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Trần Thế Quân đề nghị thống kê cụ thể hơn về việc văn bản đang nằm ở đâu để thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và đề nghị Văn phòng Chính phủ ưu tiên thẩm tra những văn bản mà các bộ, ngành đã hoàn thiện.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng rất trăn trở trước việc văn bản quy định chi tiết tồn đọng ngày càng nhiều, nhất là đối với các nghị định. Theo đó, cuối năm 2014 Chính phủ rất phấn khởi báo cáo với Quốc hội chỉ nợ đọng 6 nghị định, trong khi 3 năm trước nợ tới 120 nghị định, còn tại thời điểm này đang nợ đọng 27 nghị định. 
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế các Bộ tham mưu lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật quyết liệt hơn nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản, nợ đọng văn bản…

Đọc thêm