Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, ngay sau Kỳ họp thứ 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị, theo quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Tinh thần chung kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt.
Tại cuộc họp sáng qua (15/10), do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao. Đây là yêu cầu rất khó, nhưng phải vượt qua. Bởi có thế mới khắc phục được rốt ráo các “điểm nghẽn”.
Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng 2020, đã xác định yêu cầu của hệ thống pháp luật phải đạt được là “đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Tuy nhiên, công tác lập pháp có lúc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sau đó, Trung ương khóa XIII có Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 đặt ra nhiều yêu cầu mới về hình thức và nội dung.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tinh thần là những việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục ngồi với nhau... đi đến thống nhất phương án. Khối lượng công việc nặng nề, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Nghị quyết 27-NQ/TW đã bổ sung yêu cầu về “dân chủ, công bằng, nhân đạo” của hệ thống pháp luật. Có thể thấy, “dân chủ, công bằng, nhân đạo” là những giá trị mang tính cốt lõi trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Các quy định của pháp luật muốn đi vào đời sống và điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội thì trước tiên phải thực sự “dân chủ”, tức là phù hợp với lợi ích của Nhân dân. “Công bằng” vừa là mục đích hướng tới, vừa là chuẩn mực để đánh giá hệ thống pháp luật. “Nhân đạo” là đạo đức, sự yêu thương, quý trọng, bảo vệ con người; thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ XHCN.
Trong các công tác, thì công tác lập pháp vừa khó, vừa luôn đặt ra nhiều yêu cầu mới, khối lượng công việc rất lớn; nhưng đây cũng là công tác rất thú vị, vô cùng hữu ích. Do vậy cũng như cuộc sống luôn vận động phát triển, thì cách làm cũng phải liên tục đổi mới; sự hứng thú, cố gắng và ý chí nhiệt huyết ngày càng phải nâng cao. Với tinh thần như vậy, nhất định hệ thống pháp luật sẽ ngày càng đầy đủ, đáp ứng cả về các tiêu chí hình thức và nội dung.