Ban Quản lý rừng Lâm Viên (TP Đà Lạt) mới bắt đầu sử dụng thiết bị flycam do UBND TP Đà Lạt trang bị nhằm kịp thời quay phim, chụp, lưu và xử lý hình ảnh góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ cũng như phòng cháy chữa cháy diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp mà Ban Quản lý rừng Lâm Viên đang được giao quản lý bảo vệ.
Để sử dụng thiết bị flycam thành thạo, Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã triển khai tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức thuộc đơn vị. Buổi tập huấn giới thiệu tổng quan về thiết bị; điều khiển, sử dụng thiết bị bay và lập kế hoạch bay (thiết lập bay thủ công và tự động); thu thập, ghép xử lý ảnh qua ứng dụng từ trên cao; hướng dẫn xử lý tình huống khẩn cấp; thực hành điều khiển thiết bị bay tại hiện trường, xử lý các tình huống khẩn cấp có thể gặp phải…
Sử dụng flycam trong công tác quản lý rừng ở Đà Lạt. |
Việc sử dụng flycam nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng như phát hiện các đám cháy rừng; sử dụng kết quả kiểm tra cập nhật theo dõi diễn biến diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng; điều chỉnh diện tích thiết kế giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng; xác định các diện tích đất chưa có rừng để xây dựng kế hoạch trồng rừng…
Cũng thông qua sử dụng thiết bị flycam, Ban Quản lý rừng Lâm Viên giảm bớt áp lực số lượng nhân lực, vật lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Quế- Phó trưởng Ban Quản lý rừng Lâm Viên, TP Đà Lạt, cho biết: “Để thực hiện tốt việc sử dụng thiết bị này, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật đi tập huấn bay flycam từ các đơn vị khác, sau đó về tập huấn cho từng cán bộ viên chức của đơn vị. Với hy vọng có sự hỗ trợ tích cực của thiết bị flycam trong thời gian tới những vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ được phát hiện kịp thời và được xử lý theo đúng quy định”.
Ban Quản lý rừng Lâm Viên hiện được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 14.110 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 56,5% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TP Đà Lạt. Diện tích này được phân bố trên 11 phường và 4 xã thuộc TP Đà Lạt. Trong đó, đất rừng phòng hộ môi trường cảnh quan: gần 11.966 ha; đất rừng sản xuất: trên 2.144 ha.