Sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu

(PLVN) - Bộ Công an đang đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu. Theo Bộ này, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh, thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo Bộ Công an, những năm qua, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến dữ liệu đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển đối với lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu tại Việt Nam. Dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và là yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế.

Phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, đảm bảo cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Việc triển khai thi hành văn bản pháp luật về dữ liệu đã góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dữ liệu, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và đảm bảo an ninh, an toàn, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hiệu quả đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như: Hành lang pháp lý về dữ liệu của nước ta vẫn còn chưa đầy đủ; Chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến đang có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở… cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp.

Qua rà soát, Bộ Công an thấy nước ta hiện có 69 luật đang quy định về CSDL (CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành). Trong đó, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản CSDL trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL.

Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các CSDL phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có gần 40 CSDL quốc gia và gần 50 CSDL chuyên ngành. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các CSDL; chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…

Do đó, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề nêu trên nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đánh giá tác động, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu với 4 chính sách lớn, gồm: quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quy định về CSDL tổng hợp quốc gia; quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia và quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dữ liệu cho phù hợp với quy định của luật Dữ liệu dù việc xây dựng luật này không ảnh hưởng, mâu thuẫn với các luật quy định có liên quan về dữ liệu.

Bộ Công an kiến nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu trong thời gian tới, ví dụ như tăng cường đầu tư tập trung, đào tạo, có chế độ chính sách, đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và đầu tư kinh phí, trang bị vật tư, phương tiện, hạ tầng hiện đại để phát triển dữ liệu.

Hiện nay nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia nhằm phát huy triệt để vai trò, giá trị của nguồn tài nguyên dữ liệu trong phục vụ quản trị quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh qua đó từng bước tạo dựng và xác lập vị trí quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ví dụ như Liên minh châu Âu có luật Quản trị dữ liệu và luật Dữ liệu, Hàn Quốc có luật Dữ liệu mở, Brazil có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Canada có đạo luật về quyền riêng tư, Ấn Độ có dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2019, Trung Quốc có luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Singapore có đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2012…

Đọc thêm