Sử dụng tần số vô tuyến điện một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng

(PLVN) - Theo chương trình làm việc, chiều nay - 9/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 21/10 vừa qua.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 21/10 vừa qua.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay - 9/11, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu. Buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện với 87 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường.

Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật tiếp tục được hoàn thiện và trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan .

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 (tăng 02 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3), trong đó có 19 điều sửa đổi, bổ sung về nội dung, 09 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 02 điều.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật là đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông; nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trong sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Đồng thời, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện; đẩy mạnh cải cách hành chính; bảo đảm tính thống nhất với các luật và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tại phiên họp chiều 21/10, đa số các đại biểu thống nhất cho rằng, cần sử dụng tần số vô tuyến điện một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với các nội dung của dự án Luật Tần số vô tuyến điện.

Đối với nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế tại Điểm c, khoản 17, Điều 1 của dự án luật, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đồng tình với giải pháp cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh để khi cần có thể huy động tần số thương mại này sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Theo đó, đại biểu đề xuất lựa chọn phương án 1 tại Khoản 6, và Điểm c Khoản 17 dự thảo luật, tức là bổ sung Điểm d Khoản 4, khoản 5 Điều 18 và không bổ sung Khoản 4 Điều 45 của Luật tần số vô tuyến điện năm 2009 do phương án này phù hợp với hai quy định tại Nghị quyết số 23 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều, quy định về hoạt động phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Trong đó, Chương I - Những quy định chung; Chương II - Hoạt động phòng thủ dân sự; Chương III - Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; Chương IV - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Chương V - Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự; Chương VII - Điều khoản thi hành.

Đọc thêm