Sử dụng thiết bị y tế tại nhà - đừng quá lạm dụng

(PLO) - Do nhu cầu chăm sóc, kiểm tra sức khỏe hàng ngày của người dân tăng cao, những năm gần đây, các thiết bị y tế như máy khí dung, máy đo đường huyết, máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử… luôn được mua bán tràn lan. Tuy nhiên, trước việc lạm dụng, tự ý mua, sử dụng các thiết bị y tế tại nhà hoặc mua phải những thiết bị kém chất lượng, người dùng có nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe.
Thiết bị y tế được bày bán trên nhiều tuyến đường của Hà Nội. Ảnh minh họa

Mua đâu cũng có đủ loại

Hiện nay, với mỗi người dân, các loại máy, thiết bị y tế gia đình đã không còn xa lạ. Đa số bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp đều có thể sở hữu một chiếc máy để tự theo dõi bệnh của bản thân. Dạo một vòng qua các phố chuyên bán thiết bị y tế như phố Phương Mai, Quán Sứ, Bạch Mai…, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy bất kỳ loại thiết bị y tế nào, từ nhiệt kế đến máy đo huyết áp, máy xông mũi họng, máy đo đường huyết của Nhật, Mỹ… với đủ chủng loại, mẫu mã và giá cả khác nhau. 

Theo khảo sát tại một số cửa hàng, các thiết bị y tế giá cả đa dạng, mẫu mã phong phú. Đối với máy đo huyết áp của Nhật có giá 650.000 – 2.000.000 đồng, nhiệt kế có giá từ 700.00 trở lên, máy xông mũi họng có giá từ vài trăm đến vài triệu. Thậm chí trên các trang mạng cũng quảng cáo vô vàn địa chỉ bán các loại thiết bị y tế này. Người dùng chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thiết bị y tế” lập tức google trả về hàng nghìn kết quả sản phẩm của các nước như Nhật, Mỹ với giá cả tùy theo loại sản phẩm. Hầu hết người bán đều quảng cáo sản phẩm chính hãng, được nhiều người ưa chuộng, có tem mác bảo hành, được ưa chuộng. Với những lời quảng cáo đó, hầu hết người tiêu dùng mua thiết bị y tế theo lời chào mời hấp dẫn của người bán hàng.

Chủ động theo dõi để phát hiện sớm và điều trị bệnh bằng các dụng cụ, thiết bị y tế gia đình là điều nên làm đối với mỗi người. Tuy nhiên hiện nay, nhiều bệnh nhân đang ỷ lại vào các thiết bị này, mất cảnh giác với bệnh dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việc người dân tự ý mua và sử dụng thiết bị y tế tại nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí bị biến chứng do quá tin tưởng vào các thiết bị y tế. Trong khi đó, các thiết bị này lại cho kết quả không chính xác khiến bệnh nhân nhận định sai tình hình sức khoẻ của mình và tự mua thuốc về điều trị. 

Đơn cử như việc sử dụng máy đo huyết áp tại nhà hiện nay khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên, có không ít người sử dụng sai cách nhưng vẫn nhất mực tin tưởng vào kết quả và dẫn đến những tai biến khó lường. Có bệnh nhân bị cao huyết áp, phải uống thuốc hạ huyết áp hàng ngày, máy đo huyết áp lại cho kết quả bình thường. Bệnh nhân tin vào kết quả đó nên tự ý ngừng sử dụng thuốc. Hậu quả là bệnh nhân này đã bị tai biến do huyết áp lên quá cao,…

Mắc căn bệnh tiểu đường đã lâu, bà Trần Thị Duyên phải thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra đường huyết. Do tuổi đã cao, mỗi lần đến các cơ sở y tế kiểm tra, đi lại chờ đợi rất bất tiện nên bà đã tự mua cho mình chiếc máy đo đường huyết với giá 1,3 triệu đồng để có thể chủ động, thuận tiện theo dõi thường xuyên tại nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng máy, điều khiến bà Duyên băn khoăn là có những ngày bà đo 2, 3 lần liên tiếp nhưng mỗi lần máy lại cho kết quả khác nhau.

Chớ nên lạm dụng

Tương tự, với sự tiện lợi nhanh chóng, mua – bán dễ dàng tình trạng các bà mẹ tự ý mua máy xông mũi họng, khí dung về sử dụng cho trẻ nhỏ ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, khí dung là một phương pháp điều trị nên không khuyến cáo tại nhà mà chỉ thực hiện tại bệnh viện khi có chỉ định. Bởi một trong những biến chứng cực kỳ nguy hiểm của khí dung, đó là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay khi dùng khí dung, có thể gây chết người ngay. Hơn nữa, để thực hiện khí dung hiệu quả, việc tiệt trùng dụng cụ là rất quan trọng. Trong bệnh viện, sau mỗi lần dùng cho một trẻ đều được hấp, sấy tiệt trùng và bộ dây úp mũi, miệng này chỉ dùng tối đa 1 ngày là phải thay. Trong khi đó, người dân tự mua máy khí dung về nhà, một bộ dây khí dung dùng hết năm này qua năm khác, sẽ có nguy cơ lắng đọng vi trùng, vi khuẩn, khi đó sẽ là nguồn lây bệnh cho trẻ.

Theo quy định, thiết bị y tế lưu thông trên thị trường phải nằm trong danh mục quy định của Bộ Y tế. Tuy vậy, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng tất cả vô vàn các cơ sở bán thiết bị y tế trên thị trường đều tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế đã đề ra. Có thể, trên thực tế vẫn có không ít sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan. Mặt khác, các thiết bị y tế gia đình chỉ có tác dụng hỗ trợ cho việc theo dõi điều trị bệnh. Bệnh nhân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào chúng bởi ngay cả những thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng vẫn có thể cho ra kết quả với sai số nhất định.

Về vấn đề này, nhiều bác sĩ cho rằng, trước khi quyết định mua bất kỳ thiết bị y tế nào, người tiêu dùng cần xem sản phẩm đó có xuất xứ từ đâu, có được kiểm định chất lượng và hướng dẫn sử dụng không. Đồng thời, bệnh nhân không được phép chủ quan khi thấy bệnh diễn biến tích cực hoặc số liệu khả quan từ thiết bị đo. Bởi, kết quả đo còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng máy, tình trạng pin, cách đo, thời điểm đo, trạng thái và bệnh lý của bệnh nhân tại thời điểm đó. Nếu bệnh nhân đo không đúng cách, máy móc có vấn đề, hay thể trạng, tâm trạng của bệnh nhân lúc đó không ổn định thì kết quả đo sẽ không chính xác. Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình, người dân khi mua bất kỳ thiết bị nào nên mua hàng chính hãng và trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tin tưởng hoàn toàn vào máy kiểm tra sức khỏe tại nhà, khi có bệnh nên đến bệnh viện chẩn đoán chính xác bệnh để được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật kịp thời. 

Đọc thêm