Cần thiết sửa Luật Phòng, chống ma túy
Tờ trình dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
“Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.
Đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về đánh giá thực trạng số lượng người nghiện ma túy và phân loại các đối tượng này để có phương pháp điều trị thích hợp. Ông Giàu cũng đề nghị đánh giá rất sâu, kỹ về chính sách đưa người nghiện về lại với cộng đồng, gia đình, đánh giá xem có đem lại lợi ích cai nghiện tốt không, có ảnh hưởng gì đến gia đình, chòm xóm không.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ đồng tình sự cần thiết sửa đổi luật vì phòng chống tác hại ma túy là vấn đề rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
“Phát triển kinh tế hiện nay tốt, xã hội cơ bản ổn định nhưng nếu trong xã, thôn, gia đình nào có người nghiện ma túy thì là điều khủng hoảng, lo lắng của cộng đồng dân cư, thành viên trong gia đình, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống. Thậm chí, gia đình có con em nghiện thì phải nói là tan cửa, nát nhà và tương lai người nghiện vô vọng, không lối thoát vì việc cai nghiện ma túy vô cùng phức tạp”, Phó Chủ tịch QH nói.
Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, không thể cứ coi người nghiện giống như những người bệnh bình thường, cho nên có câu chuyện cưỡng chế. “Tôi đồng tình với vấn đề nhân đạo nhưng trong phạm vi xử lý được tốt. Vì vậy, Luật lần này phải ở mức độ chặt chẽ, cứng rắn, cương quyết hơn.
Tôi cũng đồng tình việc phải có giai đoạn, giai đoạn đầu nên có chính sách khuyến khích gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện công lập, tư nhân. Giai đoạn 2 là phải cưỡng chế. Giai đoạn 3 phải cách ly khỏi xã hội để khỏi gây ra mất an toàn cho xã hội”, Phó Chủ tịch QH nêu quan điểm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Phó Chủ tịch Thường trực QH yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu các ý kiến của UBTVQH để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét.
Sắp xếp công an xã bán chuyên trách vào lực lượng mới
Trước đó, sáng cùng ngày, UBTVQH cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc xây dựng Luật để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
“Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30 ngàn Công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã, đang dôi dư và phải bố trí cho các chức danh này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy”, ông Lâm nói.
Theo Bộ trưởng Công an, luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Dự thảo luật sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã...
“Sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, ông Lâm cho hay.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quá rộng, chưa tương ứng với vị trí, chức năng mà dự thảo Luật đã xác định là lực lượng “tham gia, hỗ trợ” lực lượng Công an; một số quy định thiếu chặt chẽ, phạm vi, mức độ, biện pháp hoạt động chưa cụ thể; thiếu quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia thực hiện nhiệm vụ với lực lượng Công an.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn. Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy nên chưa đủ cơ sở để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, thị trấn (chính quy).
Vì vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về xây dựng Công an xã chính quy, trên cơ sở đó đề xuất QH quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của dự luật đồng thời phải xác định rõ hơn tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này với công an xã chính quy để không chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, nội dung này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về nhiệm vụ của công an xã và các quy định liên quan đến bảo vệ dân phố, dân phòng, nhiều nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân, do đó đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng này phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia, chỉ hỗ trợ công an chính quy, không làm thay cho công an chính quy.