Tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp
Theo Đại tá Viện, gần đây, tình hình hoạt động của các loại tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là TPMT. Qua công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo và thực tiễn đấu tranh với TPMT cho thấy, tình hình TPMT tại Việt Nam tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ tình hình TPMT thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng”.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp. Đây là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào trong nước, lại có sự hậu thuẫn của các đường dây, ổ nhóm TPMT hoạt động lưu động tại các “điểm nóng” về ma túy dọc tuyến biên giới.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, gia tăng hoạt động mua bán ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam. Một số đối tượng lợi dụng sang Campuchia du lịch, thăm thân, làm ăn, buôn bán, đánh bạc để phạm tội ma tuý; các đối tượng người nghiện sang Campuchia mua bán trái phép chất ma túy về sử dụng hoặc sử dụng tại khu vực casino, trường gà…
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tuyên truyền, tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam có giảm so với trước; nhưng luôn tiềm ẩn phức tạp, nguy cơ các đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, phương tiện, kỹ thuật sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để tổ chức sản xuất trái phép ma túy.
Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba; trọng điểm là các cảng biển tại khu vực phía Nam như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa để ngụy trang cất giấu ma túy trong các container hàng hóa vận chuyển ra nước ngoài.
Cả nước có 234 ngàn người nghiện có hồ sơ quản lý
Ngoài ra, tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường karaoke... để tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp (MTTH). Đáng lưu ý là, tại một số địa phương đang trong thời điểm cả nước thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều cơ sở vẫn lén lút hoạt động, tổ chức sử dụng ma túy tại đây, gây bức xúc trong nhân dân.
Với trên 234.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, nếu thống kê cả số người nghi nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số còn cao hơn nhiều và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, đang làm tăng áp lực nguồn “cầu” ma túy trong nước để sử dụng cũng như để mua bán trong nước và đưa ra nước ngoài tiêu thụ. Người nghiện sinh sống ngoài cộng đồng gây nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, tạo nên những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Từ 15/7-14/8/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì và phối hợp với một số đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 7 vụ, 33 đối tượng (4 đối tượng là người nước ngoài); thu giữ: 36 kg heroin; 166,05 kg + 4.380 viên MTTH; 6 ô tô và nhiều vật chứng có liên quan. Thụ lý điều tra 11 vụ án, 61 bị can.
Sau 1 tháng ra quân tấn công trấn áp tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát điều tra TPMT nói chung và Cục Cảnh sát điều tra TPMT nói riêng đã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đánh đúng, đánh trúng các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy phức tạp, xuyên quốc gia, có chuyên án đối tượng chủ mưu, cầm đầu là người nước ngoài, cấu kết với các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước, thành lập công ty “bình phong”, hoạt động với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng xuất nhập khẩu hàng hóa để vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đồng thời đấu tranh triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, lợi dụng các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, dịch vụ nhạy cảm để mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thậm chí vi phạm các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý địa bàn, đối tượng, chủ động giải quyết những điểm có biểu hiện phức tạp, không để phát sinh những điểm nóng về tệ nạn và tội phạm ma túy.
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát điều tra TPMT tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh mạnh với các loại TPMT, thực hiện có hiệu quả Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giữ vững ANTT phục vụ các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND, 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ của Bộ Công an.
Hiện không có quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó đây là đối tượng cần phải được quan tâm đặc biệt, cần phải điều trị nghiện kịp thời thì mới hiệu quả. Chờ đến 6 năm để đủ 18 tuổi mới điều trị cho người nghiện thì tình trạng nghiện sẽ ngày càng nặng, khó điều trị hơn. Chính vì thế, mới đây, Đoàn ĐBQH TP HCM đã có kiến nghị liên quan đến nội dung này. Trong đó, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập cơ sở cai nghiện dành riêng cho người dưới 18 tuổi diện tự nguyện và bắt buộc, để công tác quản lý, lập hồ sơ đưa người nghiện trong độ tuổi này cai nghiện (theo Điều 29 Luật Phòng chống ma túy) được thuận lợi. Đoàn ĐBQH cũng kiến nghị các cơ quan hướng dẫn cụ thể về người nghiện ma túy dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định.