Sự lạm quyền của người 'cầm cân nảy mực'

(PLO) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo vụ “điện thoại cùi bắp” tại quận 10 do báo chí phản ảnh trước ngày 30/8/2016.
Anh Tiến lo lắng vì bị khởi tố tội kinh doanh trái phép (Ảnh TTO)
Anh Tiến lo lắng vì bị khởi tố tội kinh doanh trái phép (Ảnh TTO)

Một cửa hàng sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ, rẻ tiền (dân dã gọi thứ điện thoại này là “cùi bắp” bỗng nhiên bị khám xét khẩn cấp, có cớ từ một người mua hàng lần khân không chịu rời cửa hàng (quả tang), thu 40 cái điện thoại cũ, định giá rất cao, người chủ cửa hàng bị triệu tập đến công an, làm thủ tục nhận dạng, chuẩn bị cho các bước tố tụng tiếp theo, Điều tra viên trao cho anh này quyết định khởi tố bị can vì tội “kinh doanh trái phép” nhưng trong quyết định này lại viết là “buôn bán ngoại tệ”, vì thế “ứng cử viên bị can” này không nhận.

Báo chí biết chuyện, phanh phui sự việc lên mặt báo, Công an quận 10 sau đó ra ngay quyết định “không khởi tố hình sự”.

Đúng là sự việc chỉ nhỏ như cái “cùi bắp’, cũng như cái “móng tay” của việc khởi tố vụ quán cà phê “Xin Chào” nhưng nó xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động tư pháp, đến sinh mạng pháp lý của người dân, bộc lộ rõ sự áp dụng pháp luật tùy tiện của những người bảo vệ pháp luật và cả sự lạm quyền và thao túng trong lĩnh vực này.

Do vậy, sự việc nhỏ nhưng gây nên tác động lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ sự tôn nghiêm pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước. Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc này là một sự cảnh báo đến những người được trao nhiệm vụ thực thi pháp luật, chấm dứt các hành động tương tự “dọa khởi tố” mà không dựa trên các căn cứ pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến đời sống làm ăn, kinh doanh của người dân.

Mới đây, một phóng viên thường trú tại Quảng Bình bị đe dọa “lấy mạng”, “cho hai vợ chồng 2 viên đạn chơi”, “mạng mày chỉ đáng giá 50 triệu đồng”... Nguồn cơn là do phóng viên này viết bài phản ảnh tình trạng “côn đồ xe tải lộng hành” với địa chỉ trực tiếp là một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Phóng viên bị đe dọa đã có văn bản cầu cứu đến các cơ quan chức năng, yêu cầu có sự bảo vệ mình.

Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị Công an vào cuộc, bảo vệ tính mạng công dân. Rõ ràng, thói côn đồ lộng hành chẳng riêng trong lĩnh vực xe tải mà cả tính mạng, thân thể của công dân được pháp luật bảo hộ. Đây cũng là biểu hiện coi thường pháp luật, sẵn sàng áp đặt "luật chơi giang hồ" ngoài vòng cương tỏa của pháp luật, không thể xem thường cần nghiêm trị ngay theo đúng chức năng của ngành bảo vệ pháp luật chứ không phải đợi đến lúc người bị đe dọa trở thành nạn nhân hoặc phải có chỉ thị của cấp trên.

Giữ nghiêm phép nước phải bắt đầu từ những người được giao trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, pháp luật. Có sự lạm quyền trong thực thi pháp luật của những người “cầm cân, nảy mực” thì tất yếu dẫn đến sự lộng hành của những kẻ tự cho mình quyền đứng ngoài pháp luật.

Đọc thêm