3 “mềm” hay 6 “mềm”
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn nói chung đã được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Nghị định 24) tương đối ổn định.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là số lượng cấp phó và tổ chức các cơ quan chuyên môn. Thực tiễn một số địa phương cho thấy, việc bố trí cấp phó đối với các tổ chức bên trong của sở không phù hợp với tỷ lệ biên chế và mô hình tổ chức, làm tăng số lượng cấp phó.
Điển hình là có tới 8 phó giám đốc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa hay ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương có 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên trong tổng số 46 công chức; Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam có 19 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và 1 nhân viên.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, đáp ứng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW, Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh dự kiến sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối tổ chức, bảo đảm việc thành lập tổ chức thực sự thiết thực, hiệu quả, giúp UBND cấp tỉnh tham mưu, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Theo đó, Dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án sắp xếp theo hướng giảm tổ chức sở được tổ chức thống nhất (gọi tắt là sở “cứng”) và tăng tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (gọi tắt là sở “mềm”). Quan điểm của Bộ Nội vụ là trao quyền chủ động cho địa phương trong việc thành lập hay không thành lập các sở “mềm”, từ đó sẽ thực hiện được việc tinh gọn đầu mối tổ chức.
Cụ thể, phương án 1 có 15 sở, ngành “cứng”, gồm Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch - Tài chính (sáp nhập từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính); Công Thương; Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (sáp nhập từ Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, riêng Hà Nội và TP HCM có thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc); Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND và 03 sở, ngành “mềm” gồm Ngoại vụ; Du lịch; Ban Dân tộc.
Phương án 2 thậm chí mạnh dạn hơn khi chỉ còn 12 sở “cứng”, chuyển 3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông cùng 3 sở, ngành “mềm” của phương án 1 thành 6 sở, ngành “mềm”.
Phân định rõ được chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn
Đánh giá tác động của 2 phương án, Bộ Nội vụ cho rằng phương án 1 bảo đảm tính ổn định của tổ chức nhưng chưa xác định được các sở phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chưa thực hiện được việc giảm đầu mối tổ chức sở tại một số địa phương không có nhu cầu thành lập.
Còn phương án 2, tuy chi phí cho việc giải thể tổ chức, tâm lý cán bộ, công chức có sự bất ổn, dôi dư do sắp xếp tổ chức song giảm đầu mối tổ chức sở “cứng”‘, xác định rõ theo mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành, trao quyền chủ động cho địa phương trong việc thành lập hay không thành lập các sở “mềm” sẽ thực hiện được việc tinh gọn đầu mối tổ chức.
Nói về cơ sở của việc chuyển 03 tổ chức sở “cứng” thành 03 tổ chức sở “mềm” của phương án 2, Bộ Nội vụ lý giải: Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất phát từ quá trình đô thị hóa của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiến tới việc thu hẹp diện tích đất và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, các nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp không cần phải có tổ chức sở chuyên ngành tham mưu về lĩnh vực nông nghiệp, có thể ghép với một cơ quan chuyên môn tương ứng, bảo đảm thu gọn đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của tổ chức tham mưu.
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, tại các tỉnh có địa bàn nhỏ, dân số ít thì chức năng có thể giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm, không nhất thiết phải có một tổ chức độc lập để tham mưu giúp UBND cấp tỉnh. Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, lĩnh vực này tương đồng với lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và đến một thời điểm thích hợp, cần thiết phải hợp nhất, thống nhất giao cho một cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.
Trước mắt, để thực hiện việc tinh gọn đầu mối tổ chức, Dự thảo Nghị định đưa Sở Khoa học và Công nghệ vào sở “mềm”, giao quyền cho địa phương trong việc thành lập hay không thành lập. Trường hợp địa phương không thành lập Sở Khoa học và Công nghệ thì giao chức năng tham mưu quản lý nhà nước về Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Việc sáp nhập nêu trên đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến khảo sát tại 02 hội nghị hội thảo tổ chức ở miền Bắc và miền Nam. Trong đó, có 39/73 Phiếu ý kiến đồng ý; 27/73 Phiếu ý kiến không đồng ý; 07/73 Phiếu ý kiến đề nghị cân nhắc. Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có 44/54 ý kiến đồng ý; 07/54 ý kiến không đồng ý; 03/54 ý kiến đề nghị cân nhắc.