'Sứ mệnh mới' của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: PV)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: PV)

Ngày 11/12, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với sứ mệnh "Make in Viet Nam": “Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam”, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, và hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. “Muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy”, Bộ trưởng nhắc nhở.

Nêu rõ chủ đề Diễn đàn năm nay, Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh, phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Người thực hiện phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành nên sự phát triển chuyển đổi số ở Việt Nam rất chậm.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát triển ứng dụng số cho các ngành cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Đây chính là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực.

Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực và là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy. (Ảnh: PV)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy. (Ảnh: PV)

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ tới nay, song tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, kiên trì nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành toàn diện 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã có những tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiếp nối, kế thừa những kết quả đạt được nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên ba trụ cột đó là Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 35% GRDP của tỉnh. Là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Diễn đàn năm nay là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các doanh nghiệp cùng đông đảo các đại biểu thảo luận, chia sẻ nhận thức, xu thế, tầm nhìn. Đồng thời, tìm ra các định hướng, giải pháp nhằm phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là mối quan tâm, mục tiêu của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, TP trong cả nước nói chung có những định hướng xây dựng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. Từ đó thúc đẩy, hoàn thành các mục chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đã được xác định trong các chủ trương, định hướng của Trung ương và các địa phương.

Đọc thêm